Ngày 15/7, tiến sĩ, bác sĩ Lê Phúc Liên, Trưởng Đơn vị Niệu nữ, Trung tâm Tiết niệu Thận học Nam khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết như trên, thêm rằng trung bình mỗi tháng khoa tiếp nhận khoảng 10-15 bệnh nhân nữ bị són tiểu, hầu hết 50-70 tuổi. Trong đó, có người bị són tiểu lâu năm, điều trị nhiều cách không cải thiện. Khoảng 85-90% trường hợp được điều trị khỏi bệnh hoàn toàn bằng phẫu thuật.
"Phụ nữ dễ bị són tiểu hơn đàn ông do nhiều nguyên nhân như mang thai, sinh con, lão hóa, mãn kinh... làm suy yếu nhóm cơ bàng quang, cơ thắt niệu đạo, cơ sàn chậu, giảm khả năng giữ nước tiểu, gây són tiểu", bác sĩ Liên nói. Ngoài ra, nhiễm trùng đường tiết niệu (thường gặp ở nữ hơn nam), phẫu thuật cắt hoặc xạ trị tử cung do ung thư, biến chứng bệnh tiểu đường, một số tổn thương hệ thần kinh... cũng có thể khiến phụ nữ gặp tình trạng này.
Són tiểu không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe nhưng tác động tiêu cực đến tinh thần, chất lượng cuộc sống của phụ nữ. Tuy nhiên, nhiều chị em tự ti nên ít chia sẻ với người thân, ngại đến viện khám. Một số người cho rằng đây là bệnh khi có tuổi, không chữa trị được nên âm thầm chịu đựng.
Như bà Pong, 66 tuổi, ở Campuchia, són tiểu 19 năm nay, nhất là mỗi khi ho, hắt hơi; uống thuốc, tập sàn chậu không bớt còn phát sinh nhiễm trùng tiểu, thận ứ nước độ 3. Bà phải đặt ống thông tiểu, uống kháng sinh, uống 6 lít nước mỗi ngày để đào thải vi khuẩn nhưng không cải thiện, cuối cùng đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM điều trị.
Còn bà Diệp, 85 tuổi, ngụ Bình Dương, gần một năm nay đi tiểu lắt nhắt, đặt vòng nâng âm đạo không hiệu quả.
Són tiểu có thể điều trị được bằng những phương pháp khác nhau tùy nguyên nhân, mức độ. Cụ thể là tập luyện bàng quang, tập sàn chậu với máy, dùng thuốc, tiêm botox cơ bàng quang, đặt vòng nâng niệu đạo, kích thích dây thần kinh chày, phẫu thuật đặt vật liệu nâng bàng quang và niệu đạo.
Bác sĩ Phúc Liên cho biết phương pháp phẫu thuật nhìn chung ít xâm lấn, hạn chế biến chứng, ít đau, phục hồi nhanh, sử dụng vật liệu thân thiện với cơ thể nên không sinh ra phản ứng đào thải hay kích ứng, phù hợp với nhiều người bệnh. Bác sĩ cố định niệu đạo, bàng quang về đúng vị trí ban đầu nên hiệu quả điều trị cao, các triệu chứng són tiểu thường giảm sau khi vết mổ lành hẳn (sau một tháng).
Bà Pong được bác sĩ chẩn đoán đi tiểu không tự chủ khi gắng sức do di chứng sau xạ trị cổ tử cung, cùng lão hóa tự nhiên khiến cơ sàn chậu suy yếu, không đủ sức giữ niệu đạo nằm đúng vị trí. Cơ chế này khiến nước tiểu dễ thoát ra không kiểm soát, nhất là khi ổ bụng chịu áp lực lớn do ho, hắt xì, mang đồ nặng. Bà Pong được chỉ định phẫu thuật đặt lưới nâng niệu đạo (T.O.T) nhằm đưa niệu đạo trở lại đúng vị trí tự nhiên, thay thế cho sức căng của cơ sàn chậu đã suy yếu.
Còn bà Diệp bị sa bàng quang độ 4, mức nghiêm trọng nhất. Bàng quang tụt xuống khỏi vị trí ban đầu, chèn ép âm đạo làm cản trở khả năng tống xuất nước tiểu, gây tiểu khó, bí tiểu, tiểu són. Người bệnh được phẫu thuật đặt lưới 4 nhánh nhằm nâng đỡ bàng quang trở lại đúng vị trí.
Hai bệnh nhân được xuất viện sau 1-2 ngày điều trị. Tái khám sau một tháng, các triệu chứng són tiểu của họ đều giảm hẳn.
Bác sĩ Liên khuyên phụ nữ bị són tiểu không nên chịu đựng mà chia sẻ với người thân và chủ động đến bệnh viện khám, điều trị. Bệnh kéo dài ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng sống, tinh thần của người bệnh, có thể gây ra các bệnh da liễu, tăng nguy cơ nhiễm trùng đường tiểu.
Để hạn chế nguy cơ mắc són tiểu, phụ nữ nên tránh sử dụng bia, rượu, ăn uống lành mạnh để duy trì trọng lượng cơ thể cân đối. Uống khoảng 1,5-2 lít mỗi ngày, giảm uống nước về đêm nếu thường bị són tiểu ban đêm, thường xuyên tập thể dục, nhất là các bài tập cơ sàn chậu.
Thắng Vũ
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh tiết niệu tại đây để bác sĩ giải đáp |