Đầu năm nay, chị Thảo đau phía bả vai trái, siêu âm, khám tổng quát không phát hiện bất thường. Đến tháng 5, chị sờ thấy khối cứng ở ngực trái dù không viêm hay tắc tia sữa khi cho con bú.
Tại bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, chị được siêu âm, chụp nhũ ảnh và sinh thiết lõi kim, bác sĩ chẩn đoán ung thư vú trái giai đoạn ba.
Ngày 13/10, Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Đỗ Thùy Giang, Trưởng khoa Ngoại Vú, cho biết người bệnh cần hóa trị trước phẫu thuật. Tuy nhiên, sau 4 tháng hóa trị, chị dị ứng thuốc phải ngưng liệu trình. Bác sĩ đánh giá chị may mắn khi sang thương sau hóa trị đáp ứng 60-70%, đủ điều kiện phẫu thuật.
Bác sĩ mổ ung thư vú trái, nạo hạch nách trái và tái tạo bằng vạt lưng rộng. Ca phẫu thuật thành công, người bệnh phục hồi sức khỏe, tiếp tục xạ trị và uống thuốc kháng nội tiết tiếp tục trong 10 năm.

Các bác sĩ phẫu thuật cho bệnh nhân Thảo. Ảnh: Nguyễn Trăm
Theo bác sĩ Giang, ung thư vú đang có xu hướng trẻ hóa. Nhóm phụ nữ dưới 35 tuổi chưa thuộc nhóm tầm soát, phần lớn không có nguy cơ cao, không có yếu tố di truyền và không liên quan vấn đề thai sản. Phụ nữ cho con bú bằng sữa mẹ có nguy cơ mắc ung thư vú thấp hơn, tuy nhiên vẫn có trường hợp ngoại lệ. Sự phát triển của ung thư vú trong thời kỳ mang thai và cho con bú chiếm tỷ lệ 1-2%.
Giai đoạn mang thai, cho con bú, nội tiết tố thay đổi dẫn đến tăng thể tích ngực, xuất hiện nốt sần, độ cứng và mật độ nhu mô tăng lên. Sau ba tháng ngừng cho con bú, các thay đổi này dần trở lại trạng thái trước mang thai.
Theo bác sĩ Giang, trong thời kỳ này, bác sĩ có thể ít nghĩ đến xét nghiệm ung thư. Đồng thời, đánh giá lâm sàng, siêu âm, chụp nhũ ảnh khó khăn, dễ cho kết quả sai do nhầm lẫn giữa những thay đổi tuyến sữa cho con bú, viêm ngực, bọc sữa... với ung thư. Ung thư vú ở phụ nữ mang thai, cho con bú thường phát hiện ở giai đoạn muộn hơn.
Sản phụ bị ung thư vú được điều trị toàn diện, vừa đảm bảo an toàn về mặt ung thư, vừa đạt hiệu quả thẩm mỹ. Bệnh nhân được tư vấn trữ trứng để tiếp tục có con sau điều trị ung thư ổn định. Trong hầu hết trường hợp, bác sĩ khuyên mẹ ngừng cho con bú sau khi được chẩn đoán ung thư vú, bởi nhiều phương pháp điều trị ảnh hưởng đến nguồn sữa mẹ và ảnh hưởng đến em bé.
Bác sĩ Giang cho biết thêm tái tạo vú không làm tăng nguy cơ tái phát di căn nếu chẩn đoán ban đầu chuẩn mực. Có hai loại tái tạo vú gồm tức thì và trì hoãn. Tái tạo vú tức thì tốt hơn vì được thực hiện cùng lúc trong cuộc phẫu thuật ung thư vú, tránh sẹo xấu, vẫn giữ được hình dáng tự nhiên của hai ngực ngay sau mổ, tiết kiệm chi phí.
Phụ nữ nên khám vú định kỳ, tầm soát phát hiện ung thư vú ở giai đoạn sớm, giúp điều trị dễ, chi phí thấp, giữ được dáng ngực và tạo hình thẩm mỹ.
Phụ nữ cho con bú có dấu hiệu như nhũ hoa tiết dịch bất thường (màu đỏ, xanh lá cây, chất dịch có mùi hôi...), đau ngực dai dẳng, mức độ đau tăng dần, xuất hiện khối u, hạch nách sưng to, cứng, ít di động, vú thay đổi kích thước, hình dạng so với bên còn lại nên đến bác sĩ chuyên khoa bệnh tuyến vú khám để xác định nguyên nhân.
Nguyễn Trăm
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh ung thư tại đây để được bác sĩ giải đáp. |