Phát hiện ung thư tuyến giáp giai đoạn một vào năm 2019, chị đã phẫu thuật cắt toàn bộ tuyến giáp, tái khám 6 tháng một lần.
Giữa tháng 7, chị Mony đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM tầm soát sau điều trị, bác sĩ phát hiện vùng cổ phải có vài hạch, nghi ngờ hạch di căn. Kết quả chọc hút kim nhỏ dưới hướng dẫn siêu âm (FNA), chụp X-quang tim, phổi, xác định ung thư di căn hạch cổ. Bác sĩ chỉ định phẫu thuật nạo hạch, sau đó dùng iốt phóng xạ tiêu diệt các tế bào ung thư còn sót lại, tránh di căn sang những vùng khác trên cơ thể.
Trong một tiếng đồng hồ phẫu thuật, thạc sĩ, bác sĩ Đoàn Minh Trông, khoa Ngoại Tổng quát 2, dùng dao siêu âm cắt hạch bên phải ở cổ, đặt dẫn lưu dịch và khâu vết thương. Người bệnh xuất viện sau hai ngày.
Ông Charya (bố người bệnh) cho biết gia đình lo lắng khi con gái mắc ung thư tuyến giáp. Ba năm nay, sau khi cắt tuyến giáp, con gái ông uống thuốc bổ sung hormone, sinh hoạt bình thường. Nhờ tái khám định kỳ mới phát hiện di căn hạch sớm, điều trị kịp thời.
Chị Mony đính hôn xong thì phát hiện ung thư tuyến giáp di căn hạch, mong khỏi bệnh để làm đám cưới vào cuối năm, sinh em bé.
Theo bác sĩ Trông, người bệnh tiếp tục dùng thuốc phóng xạ điều trị sau phẫu thuật. Thuốc phóng xạ phát ra tia bức xạ có thể ảnh hưởng đến cơ quan sinh dục (buồng trứng, tinh hoàn). Bệnh nhân nữ nên sử dụng các biện pháp tránh thai ít nhất 6 tháng kể từ khi dùng iốt phóng xạ, bệnh nhân nam thì ít nhất 4 tháng. Sau thời gian này, phụ nữ mang thai, sinh con không ảnh hưởng đến thai nhi.
Ung thư tuyến giáp giai đoạn một, hai, nếu phát hiện sớm thì cơ hội điều trị thành công cao, khoảng 85% thuyên giảm sau lần điều trị ban đầu. Vị trí tái phát phổ biến là ở hạch bạch huyết ở cổ. Ung thư tuyến giáp dạng nhú có thể tái phát di căn xa ở xương và phổi. Sau điều trị, người bệnh cần tái khám định kỳ theo chỉ định của bác sĩ.
Đức An
Độc giả có thể đặt câu hỏi về bệnh ung thư tại đây để được bác sĩ tư vấn.