10 năm trước, chị Đỗ Thị Nhung (44 tuổi, Đà Lạt) được phẫu thuật mũi xoang điều trị viêm xoang. Khoảng 1-2 năm gần đây, chị cảm thấy đau nhức mắt trái, đau đầu và thị lực kém dần xuất hiện, ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt. Chị Nhung tới chuyên khoa mắt, bệnh viện tỉnh điều trị nhưng không cải thiện.
Gần đây, tình trạng sưng nề góc trong mắt trái tái phát nhiều lần, kèm nhức đầu vùng trán tăng nhiều, chị Nhung đi khám mắt tại một bệnh viện ở TP HCM thì được bác sĩ giải thích nguyên nhân do bệnh lý mũi xoang và khuyên khám chuyên khoa Tai Mũi Họng.
Sau khi tìm hiểu thông tin, chị Nhung đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM thăm khám. Qua kiểm tra, BS.CKII Trần Thị Thúy Hằng, Trưởng khoa Tai Mũi Họng ghi nhận mắt trái của chị sưng nề góc trong và bị đẩy lồi nhẹ ra trước, thị lực giảm còn 5/10. Kết quả nội soi tai mũi họng, CT-scan hàm mặt cho thấy u nhầy (mucocele) xoang trán trái chèn ép hốc mắt trái.
Khối u có kích thước 2x4x3,5 cm, lấp đầy thành xoang trán và một phần xoang sàng trước bên trái. Vì thế, bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật lấy u nhầy để tránh tình trạng u lớn chèn ép hốc mắt nhiều hơn, gây suy giảm thị lực, thậm chí chèn ép cấu trúc lân cận khác như não gây viêm màng não, viêm não sẽ rất nguy hiểm.
Theo bác sĩ Hằng, u nhầy xoang trán là một trong những loại u lành tính mũi xoang, chủ yếu xảy ra ở người lớn. Nhưng với bản chất ăn mòn làm tiêu xương của thành xoang, gây chèn ép cấu trúc sọ mặt nên tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Hệ thống thiết bị phẫu thuật hiện đại tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh giúp lấy sạch u nhầy và làm rộng lỗ thông mũi xoang, hạn chế biến chứng sau mổ cho người bệnh.
"Trong quá trình mổ, chúng tôi ghi nhận có tình trạng tắc nghẽn lỗ thông xoang trán, dính cuốn giữa vào vách mũi xoang, dính liên tục xoang sàng sau đến ngách sàng - bướm trái. Do bệnh nhân có tiền căn mổ xoang trước đó nên có thể u nhầy xoang trán là do viêm xoang tái phát sau phẫu thuật", bác sĩ Hằng chia sẻ.
Chị Nhung được hướng dẫn vận động thể lực mức độ nhẹ vào những ngày đầu sau mổ; tránh môi trường khói bụi; dinh dưỡng đầy đủ giúp hố mổ mau lành. Chị được lưu ý chăm sóc mũi tại nhà bằng cách xịt rửa mũi 3- 4 lần mỗi ngày và tái khám hàng tuần sau mổ.
Một tháng sau mổ, tình trạng sưng nề góc trong trên mắt trái không còn, triệu chứng nhức đầu mất dần. Hố mổ đã thông thoáng, không có dấu hiệu tắc nghẽn và thị lực của bệnh nhân đã được cải thiện.
Bác sĩ Hằng cho biết, nguyên nhân gây u nhầy xoang trán hiện chưa được xác định, nhưng các nghiên cứu cho thấy có thể do tình trạng tắc nghẽn lỗ thông mũi xoang, bất thường cấu trúc hay viêm xoang mạn tính, xạ trị vùng đầu mặt gây xơ sẹo, các khối u trong xoang lâu ngày. Sang chấn do chấn thương hoặc biến chứng sau phẫu thuật xoang hiếm gặp nhưng cũng ghi nhận một số trường hợp. Dó đó, bệnh nhân phẫu thuật bệnh lý mũi xoang nên chọn cơ sở có chuyên khoa Tai Mũi Họng, đội ngũ bác sĩ giàu kinh nghiệm, trang thiết bị hiện đại và cần theo dõi lâu dài để phát hiện sớm bất thường.
Biến chứng u nhầy có thể xảy ra sau nhiều năm phẫu thuật. Khi u nhầy phát triển lớn có thể gây nhìn đôi, nhức mắt, lồi mắt, giảm thị lực do u chèn ép hốc mắt; viêm não, màng não nếu u chèn ép não. Khi có triệu chứng nhức đầu nhiều, sưng nề mắt, động kinh, tri giác lơ mơ, yếu liệt một vài cơ quan..., người bệnh cần đến bệnh viện để được kiểm tra và can thiệp kịp thời.
* Tên bệnh nhân đã được thay đổi.
Nguyên Phương