Trả lời:
Biếng ăn trẻ em mô tả tình trạng ăn không đủ ở trẻ để đảm bảo nhu cầu sinh hoạt, phát triển hàng ngày. Các biểu hiện biếng ăn thường gặp gồm: trẻ ăn số lượng thức ăn ít hơn so với nhu cầu thực sự; kén chọn thức ăn, chỉ chấp nhận một số loại thức ăn hạn chế; dễ nôn, ói, nhợn, trào ngược khi ăn; ăn chậm, không chịu nhai, nuốt, hay ngậm thức ăn; trẻ sợ thức ăn (khóc thét, chạy trốn, từ chối khi nhìn thấy thức ăn).
Trẻ không chịu tự xúc ăn hoặc có những hành vi bất thường như: ho, cáu giận, quăng đồ đạc, đập phá, ném thức ăn, trốn vào một góc, xua đuổi người cho ăn... Các hành vi này chỉ xảy ra khi ăn.
Trẻ biếng ăn thường kèm theo các dấu hiệu chậm phát triển thể chất, tâm thần vận động, hệ sinh dục, dậy thì muộn. Nguy hiểm hơn, biếng ăn và các rối loạn ăn uống ở độ tuổi nhỏ thường kéo dài đến tuổi trưởng thành, là tiền đề của biếng ăn ở người lớn. Về lâu dài, tình trạng này gây rối loạn nội tiết và chuyển hóa, suy kiệt...
Với trường hợp biếng ăn thường xuyên của con bạn, nguyên tắc điều trị cần phối hợp đồng bộ từ bác sĩ, gia đình và nhà trường.
Trị liệu thể chất: Cho trẻ tích cực tham gia các hoạt động thể dục thể thao như tập thể dục, đạp xe, chạy bộ, bơi lội... tại nhà trường và gia đình. Phụ huynh cần đồng hành để duy trì nếp sinh hoạt lành mạnh này.
Trị liệu tâm lý: Đảm bảo tâm lý thoải mái cho trẻ trong bữa ăn, không tạo không khí ăn uống ép buộc, thúc giục, mắng, ép trẻ ăn, không gây những ức chế tâm lý trong bữa ăn.
Phụ huynh hãy thay đổi môi trường bữa ăn cho trẻ như: thay người cho bé ăn; ngồi ở vị trí khác, ăn cùng trẻ khác...
Trị liệu thực thể: Phụ huynh nên đưa trẻ đi khám sức khỏe răng miệng, đảm bảo bé có bộ răng tốt để hỗ trợ ăn nhai. Ngoài ra, trẻ cần điều trị bệnh nội khoa (nếu có) như đau bụng, chướng bụng, tiêu chảy, táo bón, rối loạn tiêu hóa... để tiêu hóa thức ăn tốt hơn.
Trị liệu dinh dưỡng: Trong trường hợp trẻ biếng ăn nên ưu tiên cho trẻ uống sữa bởi sữa là thức ăn mềm, lỏng, dễ nuốt, dễ tiêu hóa, dễ tạo cảm giác đói nhanh nhưng vẫn đủ chất dinh dưỡng. Bên cạnh đó, bé cần được ưu tiên bổ sung thêm vi chất dinh dưỡng cần thiết như: kẽm, acid amin thiết yếu như lysin, arginin giúp hỗ trợ ăn ngon.
Ba mẹ nên đưa trẻ đi khám dinh dưỡng để có chế độ ăn phù hợp, bổ sung thêm men tiêu hóa giúp nhanh hấp thu thức ăn. Từ đó, trẻ sẽ nhanh đói, ăn nhiều hơn.
Bác sĩ Trần Thị Trà Phương
Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome