Trả lời:
Mật ong có hàm lượng chất chống oxy hóa cao giúp ngăn sự phát triển của vi sinh vật có khả năng gây nhiễm trùng. Nhiều nghiên cứu trên thế giới cho thấy, đặc tính kháng khuẩn và chống viêm của mật ong hỗ trợ làm tăng tốc độ chữa lành vết thương.
Người bệnh có thể uống mật ong khi ho, cảm lạnh, viêm, đau họng. Nó giúp giảm tần suất cơn ho, cải thiện chất lượng giấc ngủ ở những người bị nhiễm trùng đường hô hấp. Khi pha mật ong, mọi người cần lưu ý một số vấn đề sau:
Không pha mật ong với nước quá nóng, không đun sôi mật ong. Cách làm này khiến mật ong đổi vị, một số thành phần cũng bị biến đổi khi đun nóng trên 60 độ C. Các vitamin và khoáng chất trong mật ong khi gặp nhiệt độ cao thường bị phá hủy. Bạn nên mua mật ong chất lượng, bảo quản tốt để không sinh ra các chất có hại cho sức khỏe.
Bạn cũng không nên pha mật ong với nước quá lạnh. Nước đá khiến mật ong khó hòa tan hơn, không mang lại hiệu quả như mong muốn. Bên cạnh đó, đồ ăn lạnh thường không được khuyến khích cho người đau họng, viêm họng.
Mọi người nên pha mật ong với nước ấm, nhiệt độ nước khoảng 30-40 độ C. Nước ấm thúc đẩy tiết nước bọt, giúp bôi trơn cổ họng, có tác dụng làm dịu những cơn đau nhanh chóng hơn. Độ nóng, ẩm còn hỗ trợ làm loãng dịch nhầy, giúp giảm triệu chứng nghẹt mũi thường gặp khi đau họng.
Trước khi đi ngủ, mọi người có thể uống một cốc mật ong nhỏ, pha theo tỷ lệ phù hợp. Phụ huynh lưu ý không dùng mật ong cho trẻ dưới một tuổi, không lạm dụng mật ong. Thực phẩm này chứa nhiều đường và carbohydrate, có thể khiến đầy hơi, tiêu chảy, tăng đường huyết...
Một số cách khác giúp làm giảm các triệu chứng của đau họng, viêm họng như súc miệng bằng nước muối 2-3 lần mỗi ngày, ăn tỏi, sử dụng các biện pháp làm ẩm không khí như máy tạo độ ẩm, tạo hơi nước... Ngủ đủ giấc, tránh các thực phẩm gây kích ứng và giữ ấm cổ họng cũng là những cách bảo vệ họng.
Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Anh Duy Tùng
Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome