Chế độ dinh dưỡng cho người bệnh ung thư được gọi là cân bằng khi cung cấp đầy đủ các nhóm thực phẩm đảm bảo nhu cầu năng lượng của cơ thể, vào đúng thời điểm và đúng tần suất. Chế độ dinh dưỡng cân đối sẽ giúp người bệnh có được sức khỏe tốt để vượt qua giai đoạn điều trị và nhanh chóng hồi phục sau điều trị.
Những thành phần cần cung cấp đủ trong khẩu phần ăn của người bệnh ung thư vòm họng, bao gồm:
Tinh bột (Carbohydrate): Bánh mì, khoai tây, cơm, mì, bún... là những thực phẩm thuộc nhóm tinh bột; cung cấp năng lượng cho cơ bắp và trí não.
Đạm (Protein): Có nhiều trong cá và các loại hải sản, thịt bò hoặc heo, thịt gia cầm, trứng, các loại đậu, các loại hạt... có vai trò cung cấp các axit amin, xây dựng và phát triển tế bào cơ bắp, tế bào da và tóc, tế bào thần kinh, tế bào máu...
Chất béo (Lipid): Có nhiều trong bơ thực vật, dầu, đậu nành, đậu phộng, mè, hạt hướng dương, trứng, thịt, cá, hải sản...; là thành phần không thể thiếu trong cấu tạo tế bào, não và nhiều cơ quan khác, giúp duy trì nhiệt độ cơ thể, bảo vệ cơ thể, thúc đẩy hấp thu các vitamin tan trong chất béo.
Trái cây và rau củ: Cung cấp chất xơ, vitamin, khoáng chất, chất chống oxy hóa.
Sữa và các chế phẩm từ sữa (phô mai, bơ, váng sữa,...): Đây là một hỗn hợp của protein chất béo và carbohydrate; nên chọn loại sữa ít béo hoặc tách béo, không đường hoặc ít đường.
Nước: Người bệnh ung thư cần bổ sung đủ lượng nước mỗi ngày; thành phần nước chủ yếu nên là nước lọc, ngoài ra có thể kết hợp nước ép trái cây, sinh tố...
Người bệnh và người thân có thể trao đổi với bác sĩ ung bướu và bác sĩ dinh dưỡng để được hướng dẫn chế độ ăn uống phù hợp. Chế độ dinh dưỡng đúng và đủ của từng người tùy thuộc vào nhiều yếu tố như tuổi, giới tính, cân nặng, chiều cao, bệnh lý nội ngoại khoa đi kèm, giai đoạn bệnh ung thư và phương pháp điều trị. Chế độ dinh dưỡng cần được cá thể hóa với sự hỗ trợ về chuyên môn từ bác sĩ ung bướu và bác sĩ dinh dưỡng để đem lại hiệu quả.
Gia Hưng