Trả lời:
Nốt ruồi là dạng tổn thương sắc tố da, xuất hiện lúc sinh ra hoặc hình thành trong quá trình phát triển của cơ thể. Nốt ruồi thường xuất hiện ở vùng da tiếp xúc ánh nắng như mặt, cổ, tay... Tùy vào sắc tố da của mỗi người mà nốt ruồi có màu đậm nhạt khác nhau, bao gồm đen, nâu, đỏ (nốt ruồi son).
Nốt ruồi có thể lành tính hoặc ác tính. Nốt ruồi lành tính thường có một màu, đường viền đều, rõ nét. Nốt ruồi màu sắc đa dạng như xám, ngả xanh, đậm nhạt không đều... có thể là dấu hiệu ung thư da. Nốt ruồi màu trắng cảnh báo ung thư da hoặc bệnh gan.
Nốt ruồi cảnh báo ung thư da thường nguy hiểm, phát triển nhanh. Nếu không chẩn đoán và điều trị, khả năng cao di căn hạch, gan, xương, phổi, não... Trường hợp phát hiện sớm và điều trị kịp thời, cơ hội khỏi bệnh cao. Ung thư từ nốt ruồi không ngứa, không đau dễ bị bỏ qua. Người bệnh thường đi khám khi bệnh phát triển nặng gây viêm nhiễm, loét, hoại tử da...
Hầu hết nốt ruồi bình thường nhỏ, không tăng hoặc tăng kích thước chậm. Nốt ruồi cảnh báo ung thư có biểu hiện tăng kích thước nhanh do tăng sắc tố melanin không kiểm soát, có thể dẫn đến mảng đen lớn trên da. Nốt ruồi ác tính còn có biểu hiện mọc ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể, hình dáng không đối xứng, đường viền mờ nhạt, gồ ghề.
Trường hợp của bạn, nốt ruồi tăng kích thước, thay đổi màu nên đến bác sĩ chuyên khoa Đầu Mặt Cổ khám để được chẩn đoán, điều trị. Nếu nghi ngờ ung thư, bác sĩ chỉ định sinh thiết hoặc phẫu thuật cắt nốt ruồi khỏi cơ thể để giải phẫu bệnh. Tùy vào giai đoạn ung thư, bác sĩ chỉ định xạ trị hay không.
Người có biểu hiện bất thường ở da như u nhỏ, vết loét... kéo dài hơn hai tuần nên đi khám chuyên khoa. Da xuất hiện vết màu đỏ hoặc nâu với bề mặt thô có vẩy hoặc vỏ bọc; nốt ruồi có bờ không rõ ràng, màu sắc lạ, ngứa, sưng đỏ, kích thước lớn dần, không đối xứng... cũng cảnh báo ung thư da, cần đi khám sớm.
Thạc sĩ, bác sĩ CKII Đoàn Minh Trông
Đơn vị Đầu Mặt Cổ, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh ung thư tại đây để bác sĩ giải đáp |