Ngày 27/1, ThS.BS Trần Thế Vinh, Trung tâm Can thiệp mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết, bà Mai Thị Chính (72 tuổi, ngụ Cần Thơ) được đặt cùng lúc 2 stent đường kính lần lượt là 3,5 mm và 3 mm tại vị trí động mạch liên thất trước và nhánh bên. Sau 2 ngày đặt stent, bà hết đau ngực, sức khỏe ổn định và xuất viện.
Bà Chính nhập viện với các cơn đau ngực dai dẳng nhưng dùng thuốc không cải thiện. Người thân cho biết trước khi đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, bà thăm khám tại một bệnh viện địa phương khi có triệu chứng đau ngực lúc nghỉ. Bác sĩ kết luận bà bị nhồi máu cơ tim cấp không ST chênh lên, có tình trạng hẹp trong lòng mạch máu ở cả 3 nhánh chính của động mạch vành, trong đó nặng nhất là động mạch liên thất trước khi hẹp lan tỏa đến 90%. Bà Chính được chỉ định phẫu thuật bắc cầu nhưng gia đình trì hoãn vì bà lớn tuổi, kèm nhiều bệnh nền tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu. Gia đình đưa bà đến bệnh viện Tâm Anh TP HCM, tìm cơ hội nong mạch máu và đặt stent.
Bác sĩ Vinh cho biết thêm, bà Chính còn bị bóc tách mạch máu tim (có một vết rách ở lớp bên trong động mạch vành) khiến máu tràn qua vết rách tạo thành một lòng mạch máu giả. Do đó, thao tác đặt stent khó khăn hơn bình thường vì bác sĩ cần loại trừ lòng mạch máu giả, xác định chính xác lòng mạch máu thật để đặt stent đúng vị trí.
"Để đặt stent chính xác nhất trong thời gian ngắn nhất, chúng tôi tiếp cận mạch máu tim thông qua động mạch đùi phải, thực hiện nhiều kỹ thuật kết hợp một cách tỉ mỉ và chuẩn xác. Bệnh nhân chỉ cần gây tê tại chỗ, hoàn toàn tỉnh táo trong suốt quá trình làm thủ thuật", bác sĩ Vinh nói.
Bác sĩ Vinh cho biết thêm, tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, các ca nhồi máu cơ tim có ST chênh lên đều được can thiệp trong vòng 70 phút từ lúc nhập viện, chẩn đoán đến khi đặt stent xong. Các công đoạn tiếp nhận, chẩn đoán, hội chẩn trước khi đưa bệnh nhân lên bàn thủ thuật thực hiện trong khoảng 30 phút.
* Tên nhân vật đã được thay đổi.
Gia Hưng
Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh