Từ những ý kiến thảo luận tại những bài viết về chủ đề tài sản của cha mẹ đối với con cái, có thể thấy đa số ý kiến nghiêng theo hướng: tài sản của cha mẹ thì muốn cho như thế nào là tùy ý, con cái không nên chờ đợi sẽ được hưởng tài sản đó. Theo tôi, quan điểm này không có gì sai, bởi chúng ta cần xem lại bối cảnh của nó. Đối với thế hệ những người đang "chờ nhận tài sản thừa kế", hầu hết cha mẹ của họ sinh ra và lớn lên trong thời kỳ đất nước còn chiến tranh.
Thời đó cha mẹ đa số là lập nghiệp với bàn tay trắng, tự thân làm nên. Ngoài ra, trong thời bao cấp, hầu như không ai có tài sản gì đáng kể. Chỉ từ khi chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường, người ta mới bắt đầu có cơ hội làm ăn, tích lũy tài sản. Do đó, những gia đình này mới chỉ bắt đầu tích lũy tài sản trong khoảng một thế hệ, khác với những xã hội ổn định một gia đình có thể tích lũy tài sản qua nhiều thế hệ.
Từ xuất phát điểm này, một gia đình tiêu biểu cũng sẽ không có nhiều tài sản để chia cho con, chủ yếu là mảnh đất và căn nhà của họ đang ở. Nếu giao tài sản cho con cái thì cha mẹ cũng chẳng còn lại mấy để lo cho cuộc sống của mình. Do đó, quan điểm hợp lý là tài sản của cha mẹ không nên vội giao cho con. Con cái nên nỗ lực tự gây dựng tài sản của riêng mình. Nếu cha mẹ giúp đỡ, hỗ trợ được thì đáng mừng và biết ơn, nhưng không nên trông đợi vào việc thừa hưởng tài sản thừa kế.
>> Tôi biết ơn cha mẹ dù không được thừa kế
Tuy nhiên, quan điểm trên đây chỉ là một góc nhìn, chúng ta hãy thử nhìn theo một hướng khác. Giả sử bạn muốn xây dựng một gia đình thịnh vượng và kéo dài qua nhiều thế hệ. Lúc đó, tài sản của gia tộc không thuộc về sở hữu của người đang quản lý là nối tiếp đời này qua đời khác. Một thế hệ sẽ thừa hưởng cơ nghiệp từ thế hệ trước, chịu trách nhiệm gìn giữ và phát triển tiếp tục và cuối cùng là truyền lại cho thế hệ sau.
Lúc này, việc chuyển giao tài sản cho thế hệ sau không chỉ mang tính chất thừa kế (hoặc kỷ niệm) cho con cái, mà phải tạo điều kiện tốt nhất để thế hệ sau có ý thức và năng lực để quản lý và phát triển cơ nghiệp. Chúng ta không nên nghĩ là phải giàu như những gia tộc siêu khủng thì mới cần nghĩ đến vấn đề này bởi lẽ mỗi gia tộc đều bắt đầu từ những thế hệ rất bình thường, thậm chí tay trắng làm nên cũng không hiếm. Điều quan trọng là người chủ gia tộc phải có ý thức và nung nấu khao khát để làm gia tộc lớn mạnh và truyền đạt tinh thần này cho những thế hệ sau.
Chuyện thế hệ sau (phú nhị đại) chỉ biết ăn chơi trác táng, dù có thừa hưởng tài sản như núi thì cũng nhanh chóng phá sản, những sự tranh giành, phe phái trong gia tộc... theo kiểu "người giàu cũng khóc" hầu như chỉ xuất hiện trên phim ảnh, khiến nhiều người lầm tường rằng để lại tài sản dễ làm con cái chơi bời, ỷ lại. Trên thực tế, có rất nhiều gia tộc thịnh vượng và bền vững qua nhiều thế hệ nhờ sự kế thừa từ đời này qua đời khác.
Nếu chúng ta không may mắn sinh ra trong những gia tộc như vậy thì tại sao không bắt đầu xây dựng một gia tộc từ chính thế hệ của mình?
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.