(Bài viết Ý Kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.)
Có rất nhiều chuyên gia am hiểu sâu sắc vì sao Việt Nam ít sáng chế nhưng họ hoặc vì quá bận hoặc không muốn nói ra suy nghĩ của mình khi chẳng thể thay đổi được điều gì. Dù vậy, tôi cũng xin mạo muội góp vài ý kiến cá nhân để mọi hiểu hơn về công tác nghiên cứu và làm sáng chế ở Việt Nam.
Qua quá trình nghiên cứu nghiêm túc và làm ra một số sáng chế được cấp bằng ở nước ngoài, tôi thấy để làm ra sáng chế cần một số điều kiện tối thiểu như sau:
1. Phải có lòng say mê (thậm chí là phải có đam mê, có nghĩa là luôn trăn trở, sẵn sàng hy sinh vô điều kiện) đối với công việc nghiên cứu nói chung và sáng chế nói riêng;
2. Phải nắm chắc kiến thức chuyên môn và phương pháp luận nghiên cứu khoa học nói chung, sau khi xác định rõ vấn đề cần giải quyết, phải thực hiện nghiên cứu tổng quan một cách công phu, kỹ lưỡng để xác định mục tiêu cần đạt và các phương pháp khả thi để thực hiện;
>> 'Sáng chế' của nông dân - nỗi oan cho giáo sư, tiến sĩ Việt
3. Phải học cách làm ra sáng chế, ví dụ tìm đọc các sách dạy cách tư duy khác biệt trên cơ sở tự do học thuật, tìm đến các thư viện (chuyên cung cấp thông tin miễn phí về các sáng chế trên thế giới) và các công trình thực tế để tìm hiểu một cách hệ thống, viết tổng quan về các sáng chế liên quan, học cách viết mô tả sáng chế và công thức sáng chế, tận dụng sự trợ giúp nhiệt tình luôn có về pháp lý và kỹ thuật của các tổ chức, cơ quan chức năng...
>> Từ đồ chơi tự chế thành phát minh giúp dân nghèo
Trong khi đó, ở Việt Nam các điều kiện nói trên chưa đảm bảo, cụ thể:
1. Cán bộ nghiên cứu chất lượng "vàng thau lẫn lộn" nhưng đều là lương không đủ sống. Nỗi lo cơm, áo, gạo, tiền đã làm thui chột mọi đam mê khoa học;
2. Nhiều đề tài khoa học được đặt hàng, thực hiện và nghiệm thu theo kiểu hình thức, chỉ cốt để giải ngân và lấy số lượng báo cáo thành tích, chất lượng nói chung thấp, nếu tác giả có tâm huyết muốn làm thật cũng rất khó.
3. Tài liệu chuyên môn, đặc biệt tài liệu về sáng chế, vừa ít vừa đắt. Quá trình ấp ủ, thai nghén ra sáng chế thường đơn độc, khó khăn nhưng cung cách xã hội đối xử với sáng chế lại chưa chuyên nghiệp. Thực tế có trường hợp may mắn đã làm ra được sáng chế thì lại không dám đăng ký vì nhà nước chưa có cơ chế bảo hộ hữu hiệu, thiết thực dẫn đến các sản phẩm trí tuệ bị ăn cắp trắng trợn trong sự bất lực và đau xót của tác giả.
Một số giải pháp kỹ thuật thật ra chưa đạt tiêu chí đúng nghĩa của sáng chế vẫn được ca tụng phục vụ công tác phong trào càng làm cho xã hội hiểu lầm về công tác sáng chế ở Việt Nam. Sáng chế vốn là một sản phẩm trí tuệ đặc biệt. Muốn có sản phẩm đặc biệt có lẽ trước hết chúng ta phải tạo ra những điều kiện đặc biệt tương ứng chăng?
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.
Đình Luyến Vũ