(Bài viết Ý Kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.)
Hồi học phổ thông, tôi cũng được dạy và giải hệ bất phương trình nhiều ẩn số. Lên đại học, ứng dụng của bài toán này là tìm ẩn số tối ưu - không phải là con số cố định mà chạy từ khoảng nào đến khoảng nào. Ra trường, mấy chục năm đi làm, tôi chưa bao giờ áp dụng bài toán tối ưu vì chẳng có nơi nào cần bài toán này dù ứng dụng của nó rất đa dạng. Không phải là không cần mà phải nói chính xác ra là không thể áp dụng.
Không thể áp dụng không phải vì không có chỗ áp dụng mà là không lên được phương trình. Chúng ta chỉ học giải phương trình chứ chưa bao giờ được học để lên phương trình. Có hàng đống số liệu thống kê nhưng mọi người đều rất lúng túng không biết phải lên phương trình như thế nào với những số liệu thống kê đó.
Ví dụ, chúng ta có nhân sự, doanh thu, lợi nhuận, chi phí, vốn vay, lãi suất... tất cả đều là con số thống kê. Vậy, phải cần bao nhiêu nhân sự với doanh thu bao nhiêu để có đồng lương tối ưu? Có doanh nghiệp nào lên được bài toán tối ưu này không dù mọi tham số đều được thống kê đầy đủ? Không có, vì mọi người chỉ được học để giải toán mà không được học để thiết lập bài toán.
Nói trường chuyên để đào tạo học sinh có tư duy nhưng có bao nhiêu "học sinh có tư duy" tự lên được bài toán với đầy đủ các tham số cho trước? Anh có thể giải được bài toán khó, khó hơn, khó hơn nữa nhưng tự xây dựng ra bài toán thì làm không được. Không lên được bài toán thì làm sao ứng dụng toán vào thực tế?
Một ví dụ khác, đường cao tốc có ẩn số tốc độ chạy từ 80-120 km/h. Liệu có người làm đường nào lên được bài toán tối ưu để giải ra ẩn số đó? Tôi dám cá, họ chỉ đề biển số tốc độ cho giống với nước ngoài thôi chứ không tự tính ra được. Một ví dụ khác mang tính vĩ mô, để cho chỉ số phát triển lớn hơn chỉ số lạm phát, chúng ta cần giảm thuế ở lĩnh vực nào để khuyến khích tiêu dùng và tăng thuế ở lĩnh vực nào để hạn chế vốn đổ vào đó? Liệu có ai lên được bài toán đó? Những chỉ số này hoàn toàn có thể tính toán được, nhưng yêu cầu đầu tiên là phải lên được bài toán đã. Không lên được bài toán thì mọi kiến thức toán học đều là lý thuyết suông.
Lên được bài toán mới khó chứ giải toán thì người này không giải được cũng sẽ có người khác giải được. Không lên được bài toán thì lấy gì mà giải? Toán học Việt Nam đi vào đường nhánh là ở chỗ này. Người ta nói toán học cần thiết chỗ này chỗ nọ, "xã hội loài người không có toán không phát triển được"... nhưng khi hỏi đến ứng dụng, làm thế nào để ứng dụng thì mấy người thần tượng môn toán không trả lời được.
>> 'Đề Toán trường chuyên khó để chọn học sinh có tư duy'
Cái máy tính nguyên thủy to khủng, mỗi cái transistor trong đó là một cái bóng đèn (chính là cái bóng đèn do ông Edison phát minh ra). Ngày nay, cái máy tính khổng lồ ấy đã thu nhỏ đến mức có thể để được trên bàn hoặc xách tới xách lui tùy ý. Nguyên nhân vì người ta tạo ra được bộ vi xử lý (CPU) có kích thước bằng bao diêm nhưng chứa được hàng triệu transistor.
Vậy cấu tạo từ cái máy tính khổng lồ đến cái máy tính hiện nay là nhờ Vật lý hay nhờ Toán học? Rõ ràng là nhờ Vật lý. Bạn có thể sáng tạo ra siêu phần mềm (siêu bài toán) nhưng cái phần mềm ấy vẫn bị giới hạn bởi khả năng vật lý của phần cứng. Không có Vật lý, Toán làm sao có chỗ để ứng dụng? Chẳng lẽ tạo ra bài toán chỉ để đánh đố nhau cho vui sao? Máy tính là công cụ để tính toán, không làm ra được công cụ thì lấy gì mà tính toán? Do vậy, cái gọi là "chuyên toán" (hoặc chuyên bất kỳ môn gì) cần phải được định nghĩa lại.
Đã định nghĩa lại mấy thứ "chuyên" này thì cũng nên định nghĩa lại "thế nào là trường chuyên?". Trường chuyên không phải để đào tạo ra vài người giỏi lý thuyết suông. Trường bình thường không giỏi ứng dụng thì trường chuyên làm sao giỏi ứng dụng vì "chuyên" có nghĩa là sâu hơn bình thường? Như vậy là phải định nghĩa lại mục tiêu giáo dục. Phải chăng người ta cần học sinh giỏi để đi thi Olympic chứ không cần nhà khoa học chuyên sâu những môn đó?
Chúng ta có rất nhiều "gà" để tham gia mọi "cuộc chọi" nhưng nhà khoa học đúng nghĩa thì chỉ đếm trên đầu ngón tay, không cân xứng với số lượng hàng chục nghìn học sinh "chuyên". Ý nghĩa của trường chuyên hiện nay là đào tạo "gà chọi" chứ không phải đào tạo nhà khoa học.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.