(Bài viết Ý Kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.)
Những năm gần đây, việc các nhà khoa học Việt Nam có phát minh ra gì không vẫn là chủ đề được thảo luận nhiều mỗi khi vấn đề giáo dục và đào tạo được đưa ra bàn luận. Một vài dẫn chứng cho sự "bất tài" của cộng đồng khoa học kỹ thuật Việt Nam là vấn đề phát minh sáng chế. Có người thậm chí còn đem trực thăng của một nông dân hay tàu ngầm thử nghiệm trong bể bơi của một người chưa qua trường lớp tàu ngầm để chê trách các nhà khoa học Việt Nam.
Có điều là trực thăng hay tàu ngầm đều là những thứ đã có chừng 70 năm nay, chúng không có gì mới mẻ và không thể là phát minh. Đó là chưa kể tới chuyện chiếc trực thăng đó hóa ra không bay được, còn tàu ngầm thì chưa thấy ra tới biển, đại khái cũng không dùng được.
Nước Mỹ là nơi có nhiều phát minh sáng chế nhất. Mỗi năm Cục Phát Minh và Thương Hiệu của Mỹ cấp bằng sáng chế cho khoảng 200.000 phát minh trong nước và thêm khoảng 400.000 nước ngoài. Số lượng bằng phát minh nhiều như vậy nhưng thực tế thì chỉ khoảng 10% số phát minh được trở thành sản phẩm sử dụng, số còn lại nằm yên đắp chiếu chờ chết.
Các phát minh ở Mỹ bao gồm rất nhiều thứ, nhưng đại loại có thể chia ra làm hai: những phát minh của những người không làm nghề chuyên ngành và những phát minh của người trong chuyên ngành. Loại thứ nhất rất ít và nó thường là những phát minh đơn giản, mặc dù nhiều thứ rất bổ ích. Như gần đây tôi có gặp một dụng cụ đựng kính áp tròng loại siêu mỏng, có thể nhét vào trong ví, hay là một dụng cụ để làm lạnh rượu vang bằng cách ngâm đá.
>> 'Các giáo sư, PGS nên chủ động kiếm tiền từ nghiên cứu, sáng chế'
Các phát minh chuyên ngành mới là động lực phát triển khoa học kỹ thuật lớn nhất của Mỹ. Đây cũng là những thứ mà các nhà khoa học Việt Nam rất ít phát minh ra. Nguyên nhân không phải là do họ không tài giỏi, mà là do không có môi trường làm việc.
Nếu ở Việt Nam không có các công ty thiết kế sản xuất các đốt sống nhân tạo để cấy ghép vào người, thì khả năng một người Việt Nam trong nước phát minh ra một thiết kế đốt sống mới là không.
Khi nói về công nghệ kỹ thuật cao, người Việt đa phần nghĩ về những thứ thường dùng trong cuộc sống. Ở Mỹ thì đó chỉ là một phần nhỏ trong cỗ máy công nghiệp của họ. Apple hay Facebook, Nike hay Amazon thì quan trọng nhưng chúng là những thứ mà người dân thường thấy, còn nội lực khoa học kỹ thuật của Mỹ nằm ở chỗ khác.
Người Việt thường hay so sánh Apple với Samsung, hay thảo luận về sức cạnh tranh của họ với Huawei. Ở Mỹ thì Apple bao năm nay vẫn hay lu loa rằng họ bị Qualcomm ăn hiếp. Qualcomm sản xuất chip điện tử và các công nghệ phát sóng điện tử, họ nắm trong tay rất nhiều phát minh sáng chế mà các sản phẩm của Apple cần. Qualcomm mới là thế lực nắm thóp của Apple, chứ không phải là những công ty cạnh tranh, nhất là khi SamSung cũng dùng chip của Qualcomm.
Ở Mỹ, công nghiệp sản xuất đa phần là sản xuất ra những thứ để phục vụ sản xuất. Xe hơi là một thứ rắc rối, nhưng dây chuyền lắp ráp ôtô thì ở đâu ra? Điện thoại Samsung rất hay, nhưng chip Snapdragon của nó do ai sản xuất? Nước Mỹ là nơi sản xuất những thứ như vậy.
Một phần lớn các phát minh ở Mỹ liên quan tới những thứ như vậy. Chúng là những cải tiến nhỏ trên các bộ phận "phía trong" hay "phía sau" trong chuỗi cung ứng sản xuất. Sự tập hợp của các cải tiến nhỏ này là nguyên nhân chủ yếu của sự phát triển của khoa học kỹ thuật tại Mỹ.
>> Việt Nam từng có nhiều bài toán 'làm khó cả tiến sĩ'
Chính vì vậy nên những người Việt ở trong nước, dù là đi học ở nước ngoài về, ít khi nào có được phát minh sáng chế. Trong khi đó, nếu họ làm trong môi trường các nước phát triển thì phát minh sáng chế nhiều hơn. Còn ở Mỹ thì các công ty ký hợp đồng với nhân viên bao giờ cũng có một điều khoản yêu cầu phải trao quyền các phát minh mà họ tạo ra khi làm việc cho công ty vào tay của công ty.
Vấn đề của nền khoa học Việt Nam không phải là tụt hậu, mà là rất nhiều mảng hầu như không tồn tại. Cái sự không tồn tại đó bao gồm cả không tồn tại trong kinh tế và trong nghiên cứu. Ngành công nghiệp sản xuất hóa chất điện tử chẳng hạn, trên thế giới chỉ có vài nước làm. Ngày trước tôi làm cho một công ty sản xuất hóa chất điện tử ở Mỹ, khách hàng toàn là Samsung, IBM, hay Applied Materials. Samsung sẵn sàng chi hàng trăm nghìn đôla mua một thùng hóa chất từ Mỹ, được chở bằng máy bay qua Hàn Quốc.
Các loại hóa chất đó đều do các nhà khoa học thuộc công ty nơi tôi làm phát minh ra. Một người có nhiều phát minh là dân Trung Quốc nói tiếng Anh đặc giọng Trung Quốc, ông qua Mỹ học đại học rồi mới ở lại Mỹ. Nếu ông ở Trung Quốc thì chưa chắc đã phát minh ra những thứ đó, bởi khả năng là ông ấy sẽ làm ở một mảng khác.
Những nhìn nhận về cộng đồng khoa học Việt Nam của nhiều người nói chung khá phiến diện, khi mà có việc gì thì các tiến sĩ thạc sĩ cũng bị lôi ra trách móc, bảo là sao không giải quyết được vấn đề. Thậm chí cá bị chết ngoài biển thì các vị ấy cũng bị trách móc là sao không tìm ra nguyên nhân. Chuyện phát minh sáng chế cũng vậy, các nhà khoa học Việt Nam bị trách là sao không phát minh ra được gì cả.
Thật ra thì nền khoa học Việt Nam hiện nay không cần phát minh ra cái gì hết. Thay vào đó thì Việt Nam nên chấp nhận đầu tư vào ngành công nghiệp nhẹ và hướng cho các tài năng đi vào các ngành này để họ có chút đất dụng võ. Giờ bảo các nhà khoa học Việt Nam phải phát minh ra những thứ như người khác trong khi họ còn không đựơc tiếp xúc với mấy ngành công nghiệp như người khác thì đó là một điều không tưởng.
>>Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.
Khanh