Việc một người điều khiển xe lao từ đường nhánh, ngõ nhỏ ra đường lớn mà không quan sát là chuyện diễn ra thường ngày, đi đâu cũng gặp ở Việt Nam. Nhiều người thích nhanh, không muốn phải chờ đợi, nên cứ đi theo ý mình, mặc định những người khác phải tự tránh né. Nhưng làm như vậy chẳng khác nào tự sát.
Theo quy định tại Quy chuẩn 41 về báo hiệu đường bộ, biển Stop được đánh số 122, mang ý nghĩa là "dừng lại". Theo đó, khi thấy biển này, các loại xe cơ giới và thô sơ (kể cả xe ưu tiên) phải dừng lại trước biển hoặc trước vạch ngang đường và chỉ được phép đi khi thấy các tín hiệu (do người điều khiển giao thông hoặc đèn cờ) cho phép đi. Trong trường hợp trên đường không đặt tín hiệu đèn cờ, không có người điều khiển giao thông hoặc các tín hiệu đèn không bật sáng thì người lái xe chỉ được phép đi khi trên đường không còn nguy cơ mất an toàn giao thông.
Quy định là như vậy, nhưng thực tế, gần như rất ít người lái xe ở Việt Nam thực hiện theo quy định của biển báo này. Nói không ngoa, biển Stop ở ta đến nay vẫn chỉ để làm cảnh. Thực tế giao thông Việt đã cho thấy có nhiều vụ tai nạn giao thông xảy ra do thói quen tùy tiện, thiếu quan sát, thiếu ý thức của các tài xế.
Điều này hoàn toàn khác so với ở nước ngoài - nơi phương tiện giao thông thường dừng hẳn, quan sát hai bên kỹ càng sau đó mới cho xe đi qua, dù cho khi quan sát từ xa có thể thấy đường rất thông thoáng. Không chấp hành biển Stop cũng là một trong những lỗi vi phạm giao thông được coi là rất nặng khi lái xe tại Mỹ hay các quốc gia ở châu Âu.
>> 'Không thể chờ tài xế xe máy thay đổi ý thức giao thông'
Stop là một biển báo rất quan trọng và cần thiết, tiếc rằng ở ta nó chưa được chú trọng và phát huy hết tác dụng. Nếu như biển báo này được tôn trọng và xuất hiện rộng rãi, để mọi người hiểu rằng, mọi người đều phải dừng lại trước biển báo này, quan sát thật kỹ các hướng rồi mới từ từ đi tiếp vào các nút giao, thì có lẽ giao thông Việt sẽ được cải thiện rất nhiều.
Nhường nhịn là thứ khá xa xỉ trong thói quen lái xe của nhiều người. Chúng ta thích dùng còi nhiều hơn là chậm lại vài giây để quan sát và đi theo thứ tự. Thể nên, không thể nói suông hoặc đổ tại cho ý thức của người tham gia giao thông mãi không được cải thiện.
Tôi thấy ở Việt Nam có rất nhiều ngã tư thường gây tai nạn nguy hiểm, nhất là đường trong các khu dân cư, rất khuất tầm nhìn. Việc có biển báo Stop không chỉ cảnh báo đơn thuần, mà còn giúp mọi người ý thức được rằng đến ngã tư là phải dừng lại quan sát, chắc chắn rằng không có nguy hiểm mới đi tiếp. Biển báo này sẽ thay thế rất tốt ở những nơi khó hoặc không phù hợp để lắp đặt đèn đỏ (bắt người đi đường phải chờ lâu không cần thiết), cũng không cần cảnh sát giao thông trực. Chỉ cần lắp thêm camera phạt nguội và xử nghiêm minh là đủ.
Muốn thay đổi thói quen lái xe của người Việt, cơ quan quản lý cần phải có những tác động trực tiếp vào ý thức của người tham gia giao thông. Và một trong những giải pháp có thể làm ngay chính là cắm thêm nhiều biển báo Stop ở những vị trí cần thiết (tại cá điểm giao nhau giữa đường nhánh và đường chính hay từ ngõ ngách ra đường lớn). Và tất nhiên, phải giám sát, xử phạt nghiêm khắc,
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.