Anh Michael thắt ống dẫn tinh tại Mỹ khi mới 20 tuổi để tránh thai cho bạn gái, sau đó muốn có con nhưng phẫu thuật nối lại ống dẫn tinh không thành công. Đầu tháng 4, anh và vợ đến Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM (IVF Tâm Anh TP HCM) tìm phương pháp điều trị.
"Đây là trường hợp thắt ống dẫn tinh ở độ tuổi trẻ nhất mà chúng tôi tiếp nhận", bác sĩ Nguyễn Quang Vinh, Đơn vị Nam học, cho biết. Khả năng thông nối lại ống dẫn tinh thành công phụ thuộc vào nhiều yếu tố, quan trọng nhất là thời gian triệt sản, tình trạng của người bệnh và kỹ thuật điều trị. Nam giới triệt sản hơn 10 năm, tỷ lệ thông nối ống dẫn tinh thành công giảm còn một nửa. Trường hợp trên 15 năm, tỷ lệ thành công càng thấp hơn.
Anh Michael từng một lần thông nối thất bại nên càng khó khăn do nhiều mô sẹo xơ hóa, ống dẫn tinh ngắn không đủ để thông nối. Bác sĩ Vinh cùng êkíp thận trọng bóc tách các mô sẹo xơ dính, trích mẫu tinh dịch ở đầu các ống dẫn tinh chuyển vào lab để phân tích tìm kiếm tinh trùng, giúp tìm kiếm chính xác vị trí tắc nghẽn để thông nối. Số tinh binh thu được trữ đông dự phòng cho hai chu kỳ thụ tinh trong ống nghiệm (IVF).
Bác sĩ Vinh dùng hệ thống kính vi phẫu với độ phóng đại lên đến 30 lần để tăng tỷ lệ thông nối thành công. Vết mổ nhỏ, khâu bằng chỉ tự tiêu và phủ một lớp keo sinh học tránh tối đa nguy cơ viêm nhiễm.
Anh Michael xuất viện vào hôm sau, có thể tắm rửa, vệ sinh bình thường. Người bệnh kiêng quan hệ tình dục trong tuần đầu sau mổ, dùng thuốc trong hai tuần, thường xuyên xuất tinh để ống dẫn thông thoáng.
Tái khám sau 10 ngày, xét nghiệm tinh dịch đồ ghi nhận có 64 triệu tinh trùng trong mẫu xuất tinh, vượt ngưỡng trung bình. Tuy nhiên, lượng tinh trùng di động chỉ 10%, có thể do ứ đọng lâu ngày. Anh Michael được hướng dẫn chế độ dinh dưỡng và vận động khoa học, duy trì quan hệ tình dục để tăng khả năng có thai tự nhiên. Nếu sau 6 tháng đến một năm không đậu thai, vợ anh nên khám toàn diện sức khỏe sinh sản, có thể dùng mẫu tinh trùng trữ đông để thụ tinh trong ống nghiệm có con.

Êkíp bác sĩ IVF Tâm Anh TP HCM vi phẫu thông nối thành công ống dẫn tinh cho nam giới vô sinh. Ảnh minh họa: Thanh Luận
Theo bác sĩ Vinh, ưu điểm của phương pháp phẫu thuật thắt ống dẫn tinh là nhanh chóng, đơn giản, hiệu quả cao, không ảnh hưởng đến sản xuất hormone sinh dục nam và khả năng sinh lý. Tuy nhiên, hạn chế là nguy cơ viêm, nhiễm trùng vết mổ nếu không chăm sóc đúng cách, một số biến chứng như tụ máu, tràn dịch màng tinh hay đau âm ỉ kéo dài ở vùng tinh hoàn.
Nam giới sau triệt sản có thể nối lại ống dẫn tinh để có con nhưng tỷ lệ thành công không tối đa. Do đó, phương pháp này chỉ nên áp dụng ở nam giới đã kết hôn, có đủ con, không muốn có thêm con. Trữ đông tinh trùng trước khi can thiệp giúp bảo tồn khả năng có con, tránh nguy cơ phẫu thuật tái thông. Người muốn tái thông ống dẫn tinh nên khám và điều trị sớm để tăng tỷ lệ thành công. Nam giới chưa kết hôn nên chọn phương pháp tránh thai phổ biến như sử dụng bao cao su.
Hoài Thương
*Tên người bệnh đã được thay đổi
Độc giả gửi câu hỏi về vô sinh hiếm muộn tại đây để bác sĩ giải đáp |