Bác sĩ Nguyễn Ngọc Tân, khoa Tiết niệu - Nam học và Thận học, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội cho biết, tiểu không tự chủ là bệnh phổ biến ở người cao tuổi. Mức độ nghiêm trọng của bệnh bao gồm thỉnh thoảng bị rò rỉ nước tiểu khi ho hoặc hắt hơi đến cảm giác muốn đi tiểu đột ngột không thể vào nhà vệ sinh kịp thời. Tiểu không tự chủ ảnh hưởng lớn đến chất lượng sống, tăng nguy cơ té ngã ở người lớn tuổi. Do đó, cần biết các yếu tố nguy cơ để phòng tránh, khắc phục.
Giới tính, tuổi tác
Tiểu không tự chủ phổ biến hơn khi tuổi tác tăng lên, cũng có những yếu tố nguy cơ ở người trẻ tuổi. Đàn ông có nguy cơ bị són tiểu nhưng phụ nữ là đối tượng phổ biến. Theo Continence Foundation of Australia, 80% người Australia bị tiểu không tự chủ là phụ nữ. Điều này có thể do nhiều yếu tố liên quan đến những thay đổi mà phụ nữ phải trải qua như mang thai, sinh con và mãn kinh.

Phụ nữ thường có nguy cơ tiểu không tự chủ cao hơn đàn ông. Ảnh: Freepik
Mang thai và sinh con
Các hormone được tiết ra khi mang thai làm giãn các mô ở sàn chậu, cho phép các cơ co giãn. Cân nặng tăng lên khi em bé lớn dần khiến tử cung mở rộng đè lên bàng quang. Sự thay đổi nội tiết tố khi mang thai cũng là yếu tố góp phần làm suy giảm khả năng kiểm soát bàng quang.
Trong quá trình sinh nở, các cơ sàn chậu, bàng quang, âm đạo và trực tràng bị kéo căng đến giới hạn do áp lực từ đầu của em bé đẩy qua cho đến khi đầu chui ra khỏi âm đạo. Ở một số phụ nữ, các cơ này và các mô xung quanh chúng không phục hồi hoàn toàn độ căng và các cấu trúc bị suy yếu dẫn đến tình trạng đại tiện và tiểu tiện không tự chủ.
Mãn kinh
Ở giai đoạn mãn kinh, do sự thay đổi nội tiết tố, cơ thể có thể trải qua các thay đổi khác nhau gây ra hoặc làm trầm trọng các triệu chứng tiểu không tự chủ. Estrogen giữ cho lớp lót mô của bàng quang và niệu đạo khỏe mạnh. Khi nồng độ estrogen giảm, các mô có thể bắt đầu teo đi, làm tăng nguy cơ tiểu không tự chủ. Khi bắt đầu mãn kinh, các cơ xung quanh bàng quang yếu đi và bàng quang bắt đầu mất khả năng nâng đỡ. Tiểu không tự chủ khi gắng sức phổ biến hơn sau khi mang thai và trong thời kỳ mãn kinh, nhưng tiểu không tự chủ cấp bách cũng có thể gặp ở thời kỳ mãn kinh.
Lão hóa
Cơ thể già đi là nguyên nhân gây teo cơ hoặc mất sức ở các cơ nâng đỡ bàng quang, bao gồm cả sàn chậu. Sự xuất hiện của sa bàng quang tăng theo độ tuổi. Khi cơ bắp và các mô khác già đi, chúng cũng có xu hướng mất tính đàn hồi giảm khả năng co giãn. Điều này ảnh hưởng đến khả năng giữ nước tiểu, dẫn đến tiểu không tự chủ.
Béo phì
Thừa cân và béo phì là những yếu tố nguy cơ dẫn đến tiểu không tự chủ khi gắng sức do tăng áp lực bên trong ổ bụng và gây áp lực lên bàng quang. Hiệu ứng này cũng có thể góp phần làm xuất hiện hoặc làm trầm trọng các vấn đề liên quan đến sàn chậu như sa cơ quan vùng chậu hoặc tiểu không tự chủ.
Táo bón kinh niên
Sự gia tăng lực bụng để đẩy phân ra ngoài gây áp lực lên các cấu trúc vùng chậu và làm căng và suy yếu các cơ sàn chậu.
Hút thuốc
Hút thuốc là yếu tố nguy cơ dẫn đến tiểu không kiểm soát do căng thẳng vì những người hút thuốc thường xuyên có xu hướng bị ho mãn tính, dẫn đến tăng áp lực ổ bụng.
Chất kích thích bàng quang
Tiêu thụ quá nhiều một số chất như caffeine, đồ uống có cồn, có ga và ngọt nhân tạo gây kích thích bàng quang quá mức, tăng triệu chứng tiểu gấp và cảm giác muốn đi vệ sinh.
Căng thẳng về thể chất
Một số hoạt động thực hiện hàng ngày đòi hỏi sự căng thẳng về thể chất lặp đi lặp lại dẫn đến sự gia tăng áp lực trong ổ bụng và làm quá tải các cấu trúc sàn chậu, gây ra hoặc làm trầm trọng thêm các triệu chứng căng thẳng gây tiểu không tự chủ. Phụ nữ tập các môn thể thao tiếp xúc hoặc các môn có điểm dừng, điểm xuất phát, cử tạ, gập người... có nguy cơ cao mắc tiểu không tự chủ.
Bác sĩ Tân lưu ý, không phải khi có các yếu tố nguy cơ, bạn sẽ mắc chứng tiểu không tự chủ. Chứng tiểu không tự chủ phổ biến hơn ở những bệnh nhân có những yếu tố trên. Nếu bạn lo lắng hoặc gặp phải các triệu chứng tiểu không tự chủ, hãy thăm khám để được bác sĩ tư vấn, chẩn đoán và điều trị sớm, mang lại hiệu quả tốt, nâng cao chất lượng sống.
Lục Bảo