Tiểu đêm là tình trạng đi tiểu từ 2 lần trở lên trong đêm. Khi xuất hiện tình trạng tiểu đêm, người bệnh nên đến bệnh viện để các bác sĩ thăm khám vì đây có thể là dấu hiệu của các bệnh lý như mất ngủ, tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt, hội chứng đa niệu, viêm bàng quang, sỏi bàng quang, suy thận...
TTƯT.PGS.TS Vũ Lê Chuyên, Trung tâm Tiết niệu Thận học, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM, cho biết, tiểu đêm thường xuyên làm người bệnh mệt mỏi, suy nhược, kém tập trung, giảm nhạy bén... ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Đặc biệt, tiểu đêm làm giảm tuổi thọ ở người cao tuổi. Nguyên nhân là ở nhóm đối tượng này, việc nghỉ ngơi không đầy đủ dễ dẫn đến tai biến; hệ cơ xương khớp đã suy yếu làm tăng nguy cơ gãy xương do té ngã khi đi tiểu giữa đêm.
Do đó, theo PGS Vũ Lê Chuyên, mục tiêu của việc điều trị tiểu đêm là chữa khỏi nguyên nhân gây bệnh và giảm thiểu những hậu quả do tiểu đêm gây ra. Tùy theo từng bệnh lý gây ra triệu chứng tiểu đêm sẽ có phương pháp điều trị khác nhau. Các nguyên nhân thường gặp gây tiểu đêm và phương pháp điều trị là:
Mất ngủ
Các yếu tố tâm lý như căng thẳng lo âu có thể gây mất ngủ, từ đó, làm cho thận hoạt động với cường độ cao như ban ngày, dẫn đến tăng sinh nước tiểu và tiểu đêm. Để điều trị nguyên nhân gây tiểu đêm này, người bệnh cần giữ tinh thần thoải mái, thường xuyên vận động để giải tỏa căng thẳng... Nếu các biện pháp thư giãn không đạt hiệu quả như mong đợi, người bệnh nên đến bệnh viện để các bác sĩ thăm khám và hỗ trợ.
Tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt
Thông thường, những trường hợp tăng sinh tuyến tiền liệt nhẹ không cần điều trị, nhưng khi bệnh đã gây rối loạn đi tiểu sẽ được chỉ định điều trị nội khoa. Các loại thuốc thường được kê đơn bao gồm thuốc chẹn alpha, thuốc ức chế 5 - alpha reductase, thuốc kháng muscarinic... Nếu các phương pháp nội khoa không mang lại hiệu quả như mong đợi hoặc bệnh tiến triển nặng, người bệnh sẽ được chỉ định phẫu thuật.
Suy thận
Ở người bệnh suy thận, ban ngày, thận không thải hết các chất cặn bã ra khỏi cơ thể, do đó, cơ quan này phải tăng cường hoạt động vào ban đêm, dẫn đến tiểu đêm. Tùy thuộc vào mức độ suy thận, người bệnh có thể được chỉ định điều trị nội khoa bằng thuốc, chạy thận nhân tạo, thẩm phân phúc mạc, ghép thận.
Bàng quang tăng hoạt
Bàng quang tăng hoạt cũng có dấu hiệu là tiểu đêm. Phác đồ điều trị bệnh lý này bao gồm ba bước. Đầu tiên là thay đổi hành vi như điều chỉnh chế độ dinh dưỡng, thay đổi thói quen đi tiểu, tập vật lý trị liệu... Bước điều trị tiếp theo là dùng thuốc. Lúc này, người bệnh sẽ được sử dụng các thuốc kháng muscarinics để làm giảm sự co bóp của cơ chóp bàng quang; thuốc mirabegron giúp giãn cơ và gia tăng dung tích bàng quang. Cuối cùng là các biện pháp kích thích thần kinh, phẫu thuật mở rộng bàng quang... sẽ được chỉ định nếu người bệnh kháng thuốc hoặc không dung nạp thuốc.
PGS Vũ Lê Chuyên cho biết thêm, một thói quen sống lành mạnh cũng giúp phòng ngừa và kiểm soát tiểu đêm hiệu quả. Người bệnh nên hạn chế uống nước trước khi ngủ ít nhất 2 tiếng; tránh sử dụng các thức uống lợi tiểu như rượu bia, cà phê, trà... vào buổi tối. Trong bữa ăn tối, hạn chế ăn mặn và các loại trái cây nhiều nước như bưởi, dưa hấu, cam...
Bên cạnh đó, người bệnh nên tạo thói quen đi tiểu và giữ tinh thần thoải mái trước khi ngủ, kê cao chân khi ngủ. Tăng cường tập thể dục, kiểm soát tốt cân nặng cũng giúp phòng ngừa tiểu đêm hiệu quả. Nếu đang sử dụng các loại thuốc điều hòa huyết áp, người bệnh nên trao đổi với bác sĩ về tác dụng phụ lợi tiểu của thuốc. Cuối cùng, đừng quên thăm khám bác sĩ ngay khi cơ thể xuất hiện bất thường.
Trung tâm Tiết niệu Thận học - Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh quy tụ đội ngũ các chuyên gia đầu ngành, Nội khoa và Ngoại khoa, sở hữu những kỹ thuật mới nhất giúp phát hiện sớm và điều trị hiệu quả các bệnh lý về thận, đường tiết niệu, nâng cao chất lượng sống cho người bệnh. |
Phi Hồng