Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thống kê cứ 6 người trưởng thành có một người vô sinh hiếm muộn, tương đương 17,5% dân số thế giới. Tại Việt Nam, Bộ Y tế ghi nhận tỷ lệ vô sinh, hiếm muộn khoảng 7,7%, tương đương khoảng một triệu cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh sản. Trong đó, 40% nguyên nhân xuất phát nam giới.
Bác sĩ Trần Huy Phước, khoa Nam học, Trung tâm Tiết niệu - Thận học - Nam khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết vô sinh hiếm muộn ở nam giới có thể phòng ngừa bằng nhiều biện pháp. Một trong những cách hiệu quả là chủ động khám, xét nghiệm tiền hôn nhân.
Đây là nhóm xét nghiệm nam giới cần thực hiện để đánh giá sức khỏe sinh sản, phát hiện sớm những vấn đề có thể ảnh hưởng đến thai nhi hoặc gây nguy cơ vô sinh, từ đó, sớm có biện pháp can thiệp hỗ trợ sinh sản. Dưới đây là một số xét nghiệm.
Siêu âm tinh hoàn nhằm đánh giá kích thước tinh hoàn, phát hiện sớm các bất thường ảnh hưởng khả năng sản xuất tinh trùng như xoắn tinh hoàn, giãn tĩnh mạch thừng tinh, viêm mào tinh, xơ hóa tinh hoàn có nhiễm khuẩn, khối u ác tính.
Xét nghiệm tinh dịch đồ là xét nghiệm phân tích, đánh giá số lượng, chất lượng, tỷ lệ sống sót, khả năng di chuyển, hình thái tinh trùng. Những yếu tố này ảnh hưởng lớn đến khả năng có con của phái mạnh.
Xét nghiệm bệnh lây truyền qua đường tình dục để đảm bảo nam giới không mang mầm bệnh có thể lây cho người phụ nữ và thai nhi như HIV, lậu, giang mai, chlamydia...
Xét nghiệm nhóm máu giúp đánh giá khả năng tương thích của vợ chồng khi sinh con để có biện pháp theo dõi, chăm sóc phù hợp khi người vợ mang thai. Nếu nam giới mang nhóm máu Rh (+) kết hôn với phụ nữ có nhóm máu Rh (-) thì khi mang thai, thai nhi có thể gặp nhiều rủi ro.
Trường hợp con cũng mang nhóm máu Rh (+) giống người cha sẽ kích hoạt phản ứng miễn dịch trong cơ thể người mẹ, kháng thể tấn công, làm hỏng tế bào hồng cầu Rh (+) của em bé. Thai phụ có nguy cơ sẩy thai hoặc thai nhi mắc một số vấn đề như thiểu năng trí tuệ, vàng da, thiếu máu tán huyết.
Xét nghiệm di truyền nhằm xác định người cha tương lai có mang gene bệnh nào có thể truyền sang cho con không. Xét nghiệm này cũng giúp người đàn ông phát hiện sớm rối loạn di truyền có thể gây ra vô sinh nam như hội chứng Klinefelter (có hai hoặc nhiều hơn nhiễm sắc thể X trong bộ nhiễm sắc thể (XXY).
Xét nghiệm tổng quát như xét nghiệm chức năng gan, thận, bệnh tiểu đường, tim mạch, mỡ trong máu; kiểm tra tim, phổi; khai thác tiền sử bệnh, phẫu thuật... giúp đánh giá tổng quan tình trạng sức khỏe, phát hiện các bệnh có khả năng ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản.
Bác sĩ Huy Phước cho biết gặp không ít nam giới kết hôn nhiều năm không có con, đi khám mới phát hiện tinh trùng dị dạng, yếu, ít, thậm chí vô tinh. Nếu chủ động xét nghiệm trước khi kết hôn, bác sĩ có thể sớm điều trị, giúp người đàn ông có cơ hội làm cha.
"Khám tiền hôn nhân rất cần thiết, có thể giúp nam giới có cuộc sống hôn nhân hạnh phúc sau này", bác sĩ nói.
Trước khi khám, nam giới cần tránh xuất tinh, quan hệ tình dục trong 3-5 ngày để đảm bảo số lượng tinh trùng, giúp phân tích tinh dịch đồ chính xác nhất. Nên mang hồ sơ khám chữa bệnh trước đó (nếu có); chia sẻ thẳng thắn với bác sĩ Nam khoa các vấn đề sức khỏe đang quan tâm.
Thắng Vũ
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh nam khoa tại đây để bác sĩ giải đáp |