Giang mai là bệnh lây truyền qua đường tình dục do vi khuẩn Treponema pallidum gây ra. Theo ước tính năm 2020 của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), có khoảng 7,1 triệu người mắc bệnh trên toàn cầu.
Bác sĩ Phạm Xuân Long, khoa Nam học, Trung tâm Tiết niệu - Thận học - Nam khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết giang mai có thể ảnh hưởng đến chức năng sinh sản ở nam và nữ. Nếu nam giới mắc bệnh không được điều trị kịp thời, các biến chứng có thể gây khó có con.
Tắc nghẽn mào tinh
Đây là cơ quan dạng ống cuộn thành hình chữ C nằm trên tinh hoàn, tham gia vào quá trình sản xuất và vận chuyển tinh trùng trưởng thành đến ống phóng tinh. Vi khuẩn giang mai tấn công gây viêm, sưng, xơ hóa dẫn đến tắc nghẽn, cản trở vận chuyển tinh trùng, gây vô sinh do tắc nghẽn.
Khối u
Vi khuẩn giang mai tấn công tinh hoàn hình thành các cục u cứng, có thể vỡ, loét, chảy dịch mủ gọi là gôm giang mai. Tổn thương này phá hủy các mô tinh hoàn, ảnh hưởng đến chức năng sản xuất tinh trùng và khả năng sinh sản.
Teo, xơ hóa tinh hoàn
Vi khuẩn giang mai xâm nhiễm gây sưng, viêm tinh hoàn. Ban đầu, bộ phận này trông lớn hơn nhưng khi các tổ chức bên trong bị vi khuẩn phá hủy dần xơ hóa và teo nhỏ lại. Nếu không điều trị sớm, tinh hoàn mất hoàn toàn khả năng tạo ra tinh trùng, dẫn đến vô sinh hoàn toàn (không thể can thiệp hỗ trợ sinh sản).
Rối loạn cương dương
Nam giới nhiễm giang mai 20-30 năm có nguy cơ cao biến chứng thần kinh của bệnh gọi là tabes tủy sống. Biến chứng này liên quan đến thoái hóa rễ thần kinh sau cột sống, dẫn đến nhiều triệu chứng, trong đó có rối loạn cương dương. Tình trạng này tuy không trực tiếp gây ra vô sinh nhưng ảnh hưởng đến khả năng thụ thai, tăng nguy cơ vô sinh hiếm muộn ở nam giới.
Theo bác sĩ Long, giang mai có thể điều trị khỏi hoàn toàn bằng thuốc kháng sinh đặc hiệu. Nam giới mắc bệnh nên đến các cơ sở y tế có khoa Nam học khám, xác định giai đoạn bệnh để có biện pháp điều trị phù hợp.
Giang mai ở những giai đoạn đầu không có biểu hiện hoặc biểu hiệu không đặc trưng, dễ nhầm lẫn với các bệnh khác, khó phát hiện sớm.
Bác sĩ Long khuyên nam giới nên khám sức khỏe định kỳ mỗi 6 tháng, ngay khi nghi ngờ mắc bệnh để sớm điều trị. Nam giới sắp kết hôn hoặc có kế hoạch sinh con nên xét nghiệm giang mai và các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác để tránh ảnh hưởng đến thai nhi sau này.
Để phòng bệnh, nam giới nên duy trì đời sống tình dục lành mạnh, một vợ một chồng, có biện pháp bảo vệ khi quan hệ, ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, thường xuyên thể dục thể thao để tăng cường sức đề kháng.
Thắng Vũ
Độc giả gửi câu hỏi bệnh nam khoa tại đây để bác sĩ giải đáp |