Hội chứng buồng trứng đa nang (Polycystic Ovary Syndrome - PCOS) là rối loạn nội tiết, ảnh hưởng đến quá trình rụng trứng, chu kỳ kinh nguyệt, khả năng thụ thai và sức khỏe tổng thể của phụ nữ. Theo bác sĩ Trần Thị Trà Phương, khoa Dinh dưỡng Tiết chế, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, ngoài điều trị và thay đổi lối sống, dinh dưỡng còn đóng vai trò quan trọng giúp người bệnh cải thiện sức khỏe.
Chọn thực phẩm tươi và chế biến tối giản: Ưu tiên sử dụng trái cây, rau củ tươi, thịt nạc, cá để tự chế biến tại nhà. Thói quen này góp phần giảm dầu mỡ, muối, các chất gây viêm không tốt cho sức khỏe.
Sử dụng ngũ cốc nguyên hạt: Lúa mạch, yến mạch, gạo lứt, quinoa (hạt diêm mạch)... giàu chất xơ, giúp duy trì năng lượng ổn định suốt cả ngày. Thực phẩm này cung cấp lượng carbohydrate phức hợp để kiểm soát đường huyết, hạn chế tăng cân - triệu chứng phổ biến của hội chứng này.
Tránh chất béo không lành mạnh: Phụ nữ mắc PCOS nên tránh chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa vì chúng có thể làm tăng nguy cơ phát triển bệnh tim mạch. Thay vào đó, hãy chọn các chất béo lành mạnh từ dầu ô liu, bơ, các loại hạt...
Bổ sung omega-3 từ cá béo: Omega-3 có tác dụng giảm viêm - vấn đề thường gặp ở người mắc hội chứng này. Thêm cá hồi, cá thu và cá trích vào trong thực đơn ít nhất hai lần mỗi tuần mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Nếu không thích cá, người bệnh có thể thay thế bằng hạt lanh xay hoặc hạt chia để bổ sung chất béo lành mạnh từ thực vật.
Tăng cường thực phẩm giàu chất xơ: Chất xơ hỗ trợ giảm cảm giác thèm ăn, cải thiện độ nhạy insulin - vấn đề phổ biến ở phụ nữ mắc PCOS. Mỗi ngày, bạn nên cung cấp ít nhất cho cơ thể 25 g chất xơ từ nguồn thực phẩm tự nhiên như ngũ cốc nguyên hạt, trái cây, rau củ và các loại đậu.
Hạn chế muối: Tiêu thụ quá nhiều muối có thể dẫn đến tăng huyết áp và ảnh hưởng đến sức khỏe tim mạch. Phần lớn muối đến từ thực phẩm chế biến và đồ ăn nhanh.
Ưu tiên thực phẩm chứa protein từ đậu nành: Protein từ đậu nành, sữa đậu nành góp phần cải thiện sức khỏe tim mạch và trao đổi chất.
Uống đủ nước: Ngoài nước lọc, người bệnh có thể thêm chanh hoặc bạc hà vào trong thức uống để tạo hương vị. Tránh đồ uống có đường như soda, nước trái cây đóng hộp, nước tăng lực vì chúng có thể làm tăng đường huyết, gây viêm.
Ăn nhiều bữa nhỏ trong ngày: Ăn 5-6 bữa nhỏ mỗi ngày thay vì ăn ba bữa lớn có thể giúp kiểm soát cơn đói, giữ mức đường huyết ổn định. Bữa ăn kết hợp các loại thực phẩm giàu protein và rau củ để đủ dinh dưỡng. Một số lựa chọn ăn nhẹ lành mạnh gồm phô mai ít béo và một ít đậu xanh, gà nướng không da kèm rau trộn, trứng luộc với cà rốt, sữa chua không đường và một muỗng hạt chia.
Bác sĩ Trà Phương cho biết phụ nữ mắc PCOS có ý định mang thai cần cung cấp đầy đủ chất cần thiết và axit folic để đảm bảo sức khỏe của mẹ, bé. Người bệnh nên đến khám và trao đổi với bác sĩ sản phụ khoa hoặc chuyên gia dinh dưỡng để được tư vấn chế độ dinh dưỡng phù hợp.
Bình An
Độc giả đặt câu hỏi về dinh dưỡng tại đây để bác sĩ giải đáp |