Chế độ ăn uống không lành mạnh là yếu tố góp phần thúc đẩy sự phát triển của các tế bào ung thư. Trong đó, một số loại thực phẩm có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý nguy hiểm này.
Rượu bia
Sau khi đi vào cơ thể, rượu bia sẽ được gan phân hủy và tạo thành acetaldehyde, một hợp chất có thể gây ung thư. Acetaldehyde sẽ thúc đẩy các tổn thương ở ADN và quá trình stress ôxy hóa. Hợp chất này cũng làm ảnh hưởng đến chức năng của hệ miễn dịch, khiến cơ thể khó nhắm mục tiêu và tiêu diệt các tế bào tiền ung thư hoặc ung thư.
Uống nhiều rượu bia thường xuyên làm tăng nguy cơ phát triển ung thư khoang miệng (không bao gồm môi), hầu họng, thanh quản, thực quản, gan, vú và đại trực tràng. Nguy cơ này sẽ tăng theo lượng rượu bia được tiêu thụ. Ở phụ nữ, rượu bia làm tăng nồng độ estrogen trong cơ thể. Điều này có thể dẫn đến nguy cơ mắc ung thư vú dương tính với thụ thể hormone estrogen cao hơn.
Thịt chế biến sẵn
Thịt đã qua chế biến bao gồm các loại thịt hun khói, thịt ướp muối và thịt đóng hộp. Theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Quốc tế về hóa học của Thụy Sĩ vào năm 2018, các hợp chất được tạo ra trong quá trình chế biến và hun khói ở nhiệt độ cao có thể gây tổn thương tế bào, đột biến gen và từ đó dẫn đến sự hình thành ung thư. Sắt heme (một dạng sắt tự nhiên) được tìm thấy trong thịt đã qua chế biến cũng có thể gây độc tế bào.
Một đánh giá được thực hiện năm 2018 phát hiện ra rằng, việc tiêu thụ hơn 60 gam thịt đã qua chế biến mỗi ngày sẽ làm tăng 20% nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng. Ngoài ra, chế độ ăn nhiều thịt chế biến sẵn cũng làm tăng nguy cơ mắc các bệnh ung thư khác, bao gồm ung thư dạ dày và ung thư vú.
Đồ chiên rán
Thực phẩm giàu tinh bột được nấu ở nhiệt độ cao, nhất là khi chiên, nướng, quay, sẽ hình thành một hợp chất gọi là acrylamide. Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC) xếp acrylamide vào nhóm chất có thể gây ung thư ở con người. Theo đó, acrylamide làm tổn thương ADN, thúc đẩy quá trình apoptosis hoặc gây chết tế bào.
Ngoài ra, ăn nhiều đồ chiên rán cũng làm tăng nguy cơ mắc đái tháo đường tuýp 2 và béo phì. Những bệnh lý này sẽ thúc đẩy tình trạng stress ôxy hóa và viêm nhiễm, từ đó làm tăng thêm nguy cơ ung thư.
Đường và các loại carbohydrate tinh chế
Các loại thực phẩm chứa đường và carbohydrate tinh chế có thể gián tiếp làm tăng nguy cơ mắc ung thư. Theo đó, tiêu thụ nhiều các loại thực phẩm này làm tăng khả năng mắc đái tháo đường tuýp 2 và béo phì. Cả hai bệnh lý trên đều thúc đẩy quá trình viêm và stress ôxy hóa trong cơ thể, những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc một số loại ung thư.
Cụ thể, theo một đánh giá được đăng tải trên tạp chí Bệnh đái tháo đường và Chuyển hóa, bệnh đái tháo đường tuýp 2 làm tăng khả năng mắc ung thư buồng trứng, ung thư vú và ung thư nội mạc tử cung. Ngoài ra, việc tiêu thụ nhiều đường và carbohydrate tinh chế còn làm tăng đường huyết, một trong những yếu tố nguy cơ gây ung thư đại trực tràng.
Để hạn chế nguy cơ ung thư, các chuyên gia khuyến nghị mọi người nên tránh tiêu thụ các loại thực phẩm chứa nhiều các hợp chất này như nước giải khát có đường, gạo trắng, bánh mì trắng, ngũ cốc có chứa đường.... Thay vào đó, bạn nên sử dụng các loại thực phẩm khác lành mạnh hơn như bánh mì nguyên hạt, gạo lứt, yến mạch...
Phương Quỳnh
(Theo Healthline, Medicalnewstoday)