Ung thư là tình trạng mất kiểm soát trong quá trình phân chia và phát triển của các tế bào trong cơ thể, dẫn đến hình thành khối u, xâm lấn các mô lân cận. Tế bào ung thư có thể theo hệ thống mạch máu, bạch huyết, lan đến các bộ phận khác của cơ thể (ung thư di căn), gây ra triệu chứng tại các cơ quan này, khó điều trị.
ThS.BS Nguyễn Anh Duy Tùng, Trung tâm Dinh dưỡng Nutrihome, cho biết chế độ dinh dưỡng cân bằng các nhóm chất thiết yếu (bột đường, đạm, béo, vitamin và khoáng chất), bổ sung thực phẩm giàu chất xơ, chất chống oxy hóa, chống viêm hỗ trợ giảm nguy cơ mắc bệnh.
Ngũ cốc nguyên hạt như gạo lứt, bắp, hạt kê, kiều mạch, yến mạch chứa hàm lượng lớn chất xơ, vitamin và khoáng chất, hợp chất polyphenol cùng nhiều chất chống oxy hóa. Ăn thực phẩm này giúp duy trì hệ tiêu hóa khỏe mạnh, hỗ trợ cân bằng hệ vi sinh đường ruột, tăng cường hệ miễn dịch, góp phần kiểm soát cân nặng vừa phải. Chúng cũng có thể phòng ngừa nguy cơ mắc ung thư như dạ dày, tuyến tụy, thực quản, trực tràng.
Trái cây có múi như cam, quýt, bưởi, chanh chứa nhiều vitamin và chất chống oxy hóa, có khả năng bảo vệ tế bào khỏi hư hại nhờ cơ chế vô hiệu hóa các gốc tự do, ngăn ngừa hoặc giảm nguy cơ ung thư. Trái cây có múi còn chứa hàm lượng cao flavonoid có thể ngăn chặn sự phát triển của các tế bào ung thư và hỗ trợ giải độc. Nguồn chất xơ dồi dào còn củng cố hệ tiêu hóa, kích thích ăn ngon miệng.
Các loại đậu như đậu xanh, đậu nành, đậu đỏ, đậu đen, đậu Hà Lan chứa một số hợp chất có lợi như lignan, saponin, phytochemical polyphenolic. Chúng có tác dụng bảo vệ tế bào, hỗ trợ giảm nguy cơ hình thành khối u ác tính. Chất xơ trong đậu giúp hệ tiêu hóa hoạt động trơn tru, tăng tốc độ đào thải, hạn chế khả năng phát triển ung thư đại tràng. Các loại đậu giàu protein nhưng hàm lượng chất béo ít hơn thịt đỏ, giảm béo phì, ung thư.
Các loại hạt như hạt chia, hạt điều, hạnh nhân, óc chó, dẻ cười, lanh, mắc ca dồi dào chất chống oxy hóa, chống viêm như omega-3, polyphenol, phytosterol. Tác dụng của chúng là bảo vệ tế bào khỏi tổn thương DNA (đột biến gene), góp phần ngăn ngừa ung thư như đại trực tràng, dạ dày, tuyến tụy, phổi.
Rau họ cải như cải bó xôi, bắp cải, cải xanh, bông cải xanh giàu vitamin C và glutathione, có đặc tính chống oxy hóa mạnh mẽ, loại bỏ các gốc tự do gây hại trong cơ thể. Các loại rau họ cải còn cung cấp isothiocyanates có khả năng ngăn ngừa sự hình thành, phát triển của tế bào ác tính. Bắp cải và bông cải xanh giàu hoạt chất sulforaphane và indole có đặc tính chống oxy hóa mạnh, đồng thời kích thích enzym giải độc, bảo vệ cấu trúc DNA.
Trà xanh chứa các hợp chất polyphenolic, EGCG có đặc tính chống oxy hóa, bảo vệ tế bào trong cơ thể khỏi các gốc tự do - tác nhân làm tăng tốc độ phá hủy tế bào, nguy cơ dẫn đến bệnh ung thư. Các hợp chất polyphenolic trong trà xanh ức chế sự xâm lấn, hình thành mạch khối u, làm chậm tốc độ phát triển của tế bào ung thư. Người thường xuyên uống trà xanh có thể giảm khả năng mắc nhiều loại ung thư như tuyến tiền liệt, vú, phổi, đại trực tràng, buồng trứng.
Sữa chua cung cấp hàm lượng lớn probiotic (lợi khuẩn đường ruột) hỗ trợ tăng cường chức năng miễn dịch, ngăn viêm nhiễm, tăng sản xuất axit béo chuỗi ngắn - nguồn năng lượng chủ yếu của các tế bào lót ruột già. Thành phần axit lactic có trong sữa chua có khả năng làm giảm độ pH trong ruột, ức chế hoạt động của chất gây ung thư có trong cơ thể.
Cà phê có nhiều caffeine, flavonoid, lignan và các polyphenol thúc đẩy quá trình tiêu hao năng lượng, điều chỉnh gene liên quan đến quá trình sửa chữa DNA. Dưỡng chất trong cà phê còn có khả năng kháng viêm, ức chế tế bào ung thư di căn. Thường xuyên uống cà phê với hàm lượng vừa phải (tùy theo thể trạng, cơ địa, bệnh nền của mỗi người) có thể ngăn ngừa ung thư đại trực tràng, cổ, vú, gan, giảm nguy cơ kháng insulin - nguyên nhân dẫn đến bệnh đái tháo đường type 2.
Bác sĩ Duy Tùng khuyến cáo ưu tiên sử dụng thực phẩm tự nhiên, hữu cơ, hạn chế thực phẩm đóng gói, chế biến sẵn hoặc thức ăn nhanh. Tăng cường ăn rau xanh, trái cây tươi, kiểm soát căng thẳng, chế độ làm việc và nghỉ ngơi khoa học. Thường xuyên tập thể dục, vận động vừa sức, duy trì cân nặng hợp lý. Hạn chế uống rượu bia, không hút thuốc lá. Tránh tiếp xúc các hóa chất độc hại, môi trường ô nhiễm.
Khám sức khỏe tổng quát và tầm soát ung thư định kỳ giúp phát hiện kịp thời các yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh để có biện pháp điều trị, kiểm soát hiệu quả.
Trường Giang
Độc giả gửi câu hỏi về dinh dưỡng tại đây để bác sĩ giải đáp |