Sỏi bàng quang hình thành do đâu?
Sỏi bàng quang phát triển khi nước tiểu ứ đọng trong bàng quang, khiến các khoáng chất và hợp chất kết dính lại với nhau và tạo thành tinh thể. Theo thời gian, các tinh thể có thể to ra và cứng lại thành sỏi. Giống như sỏi thận, sỏi bàng quang được phân loại theo khoáng chất và hợp chất tạo nên chúng. Một người có thể có một hoặc nhiều viên sỏi với kích thước và hình dạng khác nhau.
Ai dễ mắc bệnh?
Một số người có nguy cơ bị sỏi bàng quang cao hơn gồm nam giới trên 50 tuổi, tiền sử gia đình mắc sỏi bàng quang, phì đại tuyến tiền liệt, sử dụng ống thông tiểu lâu, bệnh tiểu đường hoặc gout, bất thường về hệ thần kinh như bệnh Parkinson, đột quỵ.
Triệu chứng nhận biết sỏi là gì?
Sỏi bàng quang không phải lúc nào cũng gây ra triệu chứng. Đôi khi một người thậm chí không biết mình có sỏi cho đến khi nhìn thấy viên sỏi sau khi đi tiểu.
Tuy nhiên, sỏi lớn thường gây ra các triệu chứng như đau bụng dưới và đau lưng nghiêm trọng, đau khi đi tiểu, đi tiểu thường xuyên, tiểu ngắt quãng, tiểu đêm, cảm giác muốn đi tiểu dù bàng quang rỗng, tiểu không tự chủ, có máu.
Một số loại sỏi bàng quang, như sỏi struvite, có thể gây nhiễm trùng tiểu, dẫn đến các triệu chứng như sốt kèm theo ớn lạnh, buồn nôn hoặc nôn, đau sườn và nước tiểu đục, có mùi hôi.
Khi nào cần điều trị?
Sỏi nhỏ có thể tự hết mà không cần can thiệp y tế. Uống 2-3 lít nước lọc mỗi ngày để thúc đẩy đi tiểu, đào thải sỏi dễ dàng hơn. Chườm ấm vùng bụng dưới giúp bàng quang và niệu đạo thư giãn. Dùng thuốc chống viêm không steroid không kê đơn (NSAID) để giảm đau.
Sỏi bàng quang thường đào thải nhanh hơn sỏi thận vì chúng nằm phía dưới hệ tiết niệu. Sỏi nhỏ thường tự đào thải trong vòng 2-3 ngày hoặc có thể lâu hơn ở người lớn tuổi, bị phì đại tuyến tiền liệt hay các tình trạng khác cản trở dòng nước tiểu.
Trường hợp sỏi lớn có thể mắc kẹt, gây ứ đọng nước tiểu, tạo áp lực lớn lên bàng quang và các cơ quan lân cận. Trong một số trường hợp, bàng quang có thể bị tổn thương vĩnh viễn.
Người có các triệu chứng như đau dữ dội ở vùng bụng, bẹn, bộ phận sinh dục hoặc bên hông; sốt cao kèm ớn lạnh; buồn nôn hoặc nôn mửa nghiêm trọng; bí tiểu, nên đến bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị.
Sỏi bàng quang nặng có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm nếu không điều trị, bao gồm nhiễm trùng đường tiết niệu; suy thận cấp; sa âm đạo; rối loạn tiểu; nhiễm trùng huyết đe dọa tính mạng.
Cách nào ngăn ngừa sỏi?
Một số thay đổi lối sống có thể giảm nguy cơ bị sỏi bàng quang. Uống nhiều nước, đi vệ sinh thường xuyên để làm trống bàng quang. Người bị tiểu khó có thể lên lịch đi tiểu 3-4 giờ một lần, đừng đợi đến khi bàng quang đầy.
Người dễ tái phát loại sỏi này nên hạn chế ăn thực phẩm có hàm lượng purine cao như bia rượu, thịt đỏ, nội tạng, hải sản. Nếu sử dụng ống thông tiểu, cần vệ sinh sạch sẽ mỗi ngày. Rửa túi đựng nước tiểu hàng ngày và thay hàng tuần.
Anh Ngọc (Theo Verywell Health)