Cholesterol cao làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim, đột quỵ. Theo dõi thường xuyên, sử dụng thuốc hợp lý, duy lối sống lành mạnh có thể giúp kiểm soát chỉ số này.
Không phải tất cả cholesterol đều có hại
Cholesterol là chất béo có trong máu, thành phần không thể thiếu để tạo nên màng tế bào. Cơ thể cần chất béo này để sản xuất ra một số hormone. Chúng chỉ gây hại khi hàm lượng cholesterol trong máu vượt ngưỡng cần thiết.
Tổng lượng cholesterol bao gồm các chỉ số về LDL (cholesterol xấu), HDL (cholesterol tốt) và lipoprotein mật độ rất thấp (VLDL). LDL thừa làm tăng nguy cơ xơ vữa động mạch. Còn HDL giúp dọn dẹp cholesterol thừa và mang nó trở lại gan. Sau đó, gan thải cholesterol ra khỏi cơ thể.
LDL dưới 100 mg/dL, HDL trên 60 mg/dL và chất béo trung tính dưới 150 mg/dL được xem là an toàn.
Kiểm tra cholesterol thường xuyên rất quan trọng
Mỗi người nên kiểm tra cholesterol thường xuyên, bất kể tuổi tác hay tình trạng sức khỏe. Hiệp hội Tim mạch Mỹ khuyến nghị trẻ 9 đến 11 tuổi nên kiểm tra lần đầu tiên. Người lớn từ 20 tuổi trở lên nên xét nghiệm cholesterol ít nhất 4 đến 6 năm một lần. Người đang dùng thuốc hoặc có các yếu tố nguy cơ khác có thể cần xét nghiệm nhiều hơn.
Người trẻ, khỏe mạnh cũng có chỉ số cholesterol cao
Nguy cơ cholesterol cao tăng theo tuổi tác. Khi già đi, quá trình trao đổi chất thay đổi và chức năng gan giảm. Trọng lượng cơ thể tăng cũng làm chậm khả năng loại bỏ cholesterol xấu.
Tuy nhiên, ngay cả người trẻ và khỏe mạnh cũng có thể gặp vấn đề về cholesterol, nhất là có tiền sử gia đình cholesterol cao hoặc bệnh tim. Những người này có thể có lượng cholesterol cao hơn dù ăn uống khoa học, duy trì lối sống lành mạnh.
Cholesterol cao không gây ra triệu chứng
Cơ thể thường không có dấu hiệu cholesterol cao. Một số người phát triển các mảng cholesterol tích tụ trên da có màu hơi vàng gọi là xanthomas. Tuy nhiên, khi có biểu hiện này, cholesterol thường ở mức rất cao. Nhiều người chỉ gặp triệu chứng khi bị biến chứng do xơ vữa động mạch hoặc hẹp động mạch. Đó là lý do xét nghiệm máu thường xuyên để kiểm tra quan trọng.
Thay đổi chế độ ăn uống cải thiện mức cholesterol
Ăn quá nhiều thực phẩm như thịt, đường có khả năng tăng mức cholesterol tổng thể vì nó góp phần tích tụ chất béo. Mỗi người nên xây dựng chế độ ăn uống bao gồm thực phẩm giàu vitamin, chất xơ như hạt, quả hạch, rau lá, ngũ cốc nguyên hạt.
Thực phẩm chế biến sẵn được bảo quản hay đông lạnh có thể làm tăng cholesterol khi tiêu thụ. Mỗi người nên ưu tiên thực phẩm tươi sống thay vì loại đóng gói để tránh tiêu thụ chất bảo quản.
Quá trình phân hủy rượu ở gan hình thành cholesterol và chất béo trung tính, tăng nguy cơ gặp các vấn đề về tim hoặc đột quỵ. Theo khuyến nghị từ Hiệp hội tim mạch Mỹ, nam giới không nên uống quá hai ly rượu mỗi ngày, với phụ nữ là một ly.
Một số người cần dùng thuốc để kiểm soát cholesterol
Ăn uống khoa học, kết hợp tập thể dục ít nhất 150 phút mỗi tuần có thể duy trì mức cholesterol ở ngưỡng an toàn. Vận động vừa phải như đi bộ, khiêu vũ, đạp xe giúp đạt được mục tiêu này.
Tuy nhiên, với một số người, những thay đổi này chưa đủ. Lúc này, bác sĩ có thể kê đơn thuốc điều trị. Người dùng thuốc điều trị nhưng không ăn uống cân bằng, mức cholesterol vẫn có thể tăng lên.
Lê Nguyễn (Theo Temple Health)
Độc giả đặt câu hỏi bệnh tim mạch tại đây để bác sĩ giải đáp |