Báo cáo về ung thư toàn cầu năm 2020 của Cơ quan Nghiên cứu ung thư quốc tế (IACR) ghi nhận, Việt Nam có tỷ lệ mắc ung thư xếp thứ 16 tại châu Á. Năm loại ung thư phổ biến được IACR công bố gồm ung thư gan (chiếm 14,5%), ung thư phổi (14,4%), ung thư vú ở nữ (11,8 %), dạ dày (9,8%), đại trực tràng (9%). Trong đó, bệnh ung thư gan có tỷ lệ cao nhất, với 26.418 ca mắc mới.
Theo Quỹ viêm gan B (Hepatitis B Foundation - Mỹ), ung thư gan thường phát triển mà không có nhiều triệu chứng rõ ràng. Đối với người bị viêm gan B mạn tính, ung thư gan có thể phát triển kèm theo hoặc không kèm theo xơ gan. Vì vậy, việc tầm soát ung thư định kỳ là điều cần thiết.
Trong khi đó, Hiệp hội Nghiên cứu Bệnh gan Mỹ (AASLD) khuyến cáo, nam giới bị viêm gan B nên bắt đầu tầm soát ung thư gan từ 40 tuổi, còn phụ nữ bị viêm gan B nên tầm soát ở tuổi 50. Ngoài ra, những bệnh nhân trong danh sách chờ ghép gan cũng được ưu tiên tầm soát bệnh, nhằm phát hiện các khối u trước khi chúng quá lớn - là một trong những nguyên nhân khiến bệnh nhân không đáp ứng được yêu cầu cấy ghép.
Với nhóm bệnh nhân có nguy cơ mắc ung thư gan cao, thực hiện sàng lọc sớm và thường xuyên sẽ hỗ trợ quá trình điều trị, tăng khả năng sống cho bệnh nhân. Cụ thể, nhóm nguy cơ cao bao gồm: người có tiền sử gia đình bị ung thư gan hoặc đã được chẩn đoán mắc bệnh xơ gan, bất kể tuổi tác. Người mắc các bệnh về gan như tổn thương gan, nhiễm virus viêm gan B, C, gan nhiễm mỡ, viêm gan tự miễn, viêm gan đi kèm bệnh lý (Lupus ban đỏ, viêm khớp dạng thấp, tiểu đường tuýp 1) cũng thuộc nhóm nguy cơ cao.
Bên cạnh đó, người béo phì, thường xuyên lạm dụng rượu bia, chất kích thích cũng dễ suy giảm chức năng gan, dẫn đến các bệnh về gan, ung thư gan.
Theo AASLD, sắc tộc cũng ảnh hưởng đến tỷ lệ mắc ung thư gan. Theo đó, người gốc châu Á - Thái Bình Dương có tỷ lệ mắc viêm gan B mạn tính và ung thư gan cao nhất, đặc biệt nếu họ hút thuốc hoặc có tiền sử gia đình mắc bệnh. Tại Trung Quốc, ung thư gan là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong. Tại Mỹ, ung thư gan là nguyên nhân thứ ba gây tử vong. AASLD cho rằng, nam giới sinh ra ở châu Phi bị nhiễm viêm gan B mạn tính sẽ tiến triển thành ung thư gan ở độ tuổi trẻ hơn. Tổ chức này khuyến nghị bệnh nhân nên bắt đầu tầm soát định kỳ từ 20 tuổi.
Bệnh gan còn có thể tiến triển nhanh hơn ở người đồng nhiễm HIV hoặc viêm gan B, C, D. Nhóm bệnh nhân này cũng có nhiều nguy cơ phát triển ung thư gan hơn, vì vậy, việc tầm soát thường xuyên là rất cần thiết.
Theo Cancer.net, tầm soát ung thư nhằm phát hiện bệnh sớm, từ đó tiên lượng bệnh tốt hơn, tăng hiệu quả điều trị và giảm số người chết. Cụ thể, khi phát hiện bệnh sớm, việc phẫu thuật loại bỏ khối u thường đạt kết quả tốt hơn, bệnh nhân phục hồi nhanh, ít để lại di chứng, cùng với đó là giảm tổn thất kinh tế cho gia đình, xã hội.
Trong tầm soát ung thư gan, ngoài thăm khám sức khỏe, bác sĩ còn thực hiện các phương pháp cận lâm sàng để tìm kiếm u, hạch bất thường ở gan, xem xét triệu chứng, tổn thương có thể có. Việc tầm soát sẽ bao gồm xét nghiệm máu để tìm chất alpha-fetoprotein (AFP), được tạo ra bởi các tế bào ung thư. Bệnh nhân còn được siêu âm để xem xét đường kính khối u, đồng thời phát hiện các bệnh lý gan khác như tăng áp lực tĩnh mạch cửa, xơ gan.
Nếu có nghi ngờ ung thư gan giai đoạn sớm nhưng không phát hiện được bằng siêu âm, bác sĩ sẽ chỉ định chụp cắt lớp (CT), chụp cộng hưởng từ (MRI) hoặc sinh thiết gan. Nội soi ổ bụng và xét nghiệm máu cũng là các thủ thuật phát hiện ung thư gan, dựa trên phát hiện dấu hiệu tổn thương thường có ở bệnh nhân.
Hà Thanh