Thông tin Tổng cục Thống kê công bố sáng 6/1, hơn 2,2 triệu lao động đã bỏ thành phố về quê do ảnh hưởng của đợt dịch thứ tư kéo dài. Trong đó, khoảng 447.000 người trở về từ Hà Nội, 524.000 người về từ TP HCM; 600.000 người trở về từ các tỉnh thành phía Nam và hơn 676.000 người từ các địa phương khác. Số người trở về chủ yếu là lao động tự do, lực lượng chịu ảnh hưởng ngay của các đợt giãn cách theo Chỉ thị 15, 16. Song vẫn có khoảng 839.000 người từ 15 tuổi trở lên thuộc lực lượng lao động, phần lớn đang làm việc hoặc đã thất nghiệp
Chính xác là trước ảnh hưởng sâu rộng của dịch bệnh kéo dài, nhiều người lao động tỉnh lẻ bây giờ đã thấy khiếp sợ cuộc sống ở thành thị. Mấy tháng phong tỏa, họ phải sống tù túng trong những căn nhà trọ chật hẹp tại thành phố. Không có thu nhập, hết tiền, hết cái ăn... thực tế phũ phàng ấy đã khiến nhiều người không còn muốn quay lại chốn phồn hoa đô thị đó nữa.
Thế nhưng, trong tình cảnh ngặt nghèo ấy, người ta mới nhận ra cơ hội việc làm hiện nay lại rất rộng mở ở các tỉnh. Nhà máy của tôi tại một tỉnh nhỏ hiện cũng có thể cung cấp 6.500 việc làm cho người lao động. Mức lương ở đây tuy không bằng với ở thành phố, nhưng bù lại, chắc chắn phần tích lũy, để dành của công nhân sẽ cao hơn nhiều so với các đô thị lớn. Bên cạnh đó, điều kiện sống ở quê cũng tốt hơn, người lao động được sống gần cha mẹ, họ hàng, con cái, cuộc sống ổn định, khi hoạn nạn vẫn yên tâm vì có chỗ bấu víu.
>> Dòng người để lại sau lưng 'giấc mơ Sài Gòn'
Chỉ trong ba tháng cuối năm 2021, tôi đã tuyển được tới hơn 500 công nhân mới, đa số là người từ Sài Gòn, Bình Dương, Đồng Nai trở về sau đợt dịch thứ tư. Nhiều người trong số đó nói với tôi rằng công ty cũ bắt họ lên tận nơi để nộp đơn nghỉ việc và yêu cầu làm việc thêm đủ 30 ngày theo đúng luật thì mới giải quyết cho nghỉ và chốt bảo hiểm, dù trên thực tế, công ty đã cho họ nghỉ dịch không lương cả mấy tháng trước đó. Chính điều đó khiến họ thà bỏ luôn chứ không còn muốn quay lại thành phố làm việc nữa.
Nói tóm lại, Covid-19 đã thay đổi hoàn toàn rất nhiều thứ. Người lao động tỉnh lẻ chắc chắn đã có cái nhìn khác về cuộc sống tha phương cầu thực. Đây vừa là thách thức nhưng cũng là cơ hội để tạo nên một làn sóng chuyển dịch lao động lớn trên phạm vi cả nước. Đó là khi mà người ta không còn phải bằng mọi giá đổ về các "miền đất hứa" như Hà Nội, TP HCM, mà hoàn toàn có thể có một công việc tốt, một cuộc sống ổn định ngay tại quê nhà. Đây cũng sẽ là điều kiện để phát triển kinh tế vùng tại các địa phương, góp phần nâng cao chất lượng đời sống của người dân.
Ở một khía cạnh khác, đối mặt với viễn cảnh thiếu hụt lao động sau dịch, các doanh nghiệp tại thành phố sẽ buộc phải thay đổi chính sách đãi ngộ, tìm biện pháp tăng lương, thưởng để thu hút người lao động trở lại làm việc. Điều này sẽ có lợi, góp phần cải thiện chất lượng đời sống của người lao động nhập cư tại các thành phố lớn.
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.