Là một người quản lý doanh nghiệp, tôi kiên quyết phản đối việc tăng lương theo thâm niên. Thâm niên là cái bẫy giết chết động lực phấn đấu của người lao động. Đừng nói chuyện cống hiến lâu năm nên phải được hưởng nhiều. Mỗi năm đi làm, bạn đều đã được chủ doanh nghiệp trả lương tương xứng rồi, không có chuyện ai nợ ai cái gì cả. Việc tăng lương không dựa trên năng lực thực tế là cách đẩy doanh nghiệp đến bờ vực phá sản dễ dàng nhất.
Nên nhớ, doanh nghiệp kinh doanh thì cái gì cũng phải dựa trên năng suất lao động để tồn tại. Nếu những người có thâm niên đương nhiên được hưởng lương cao hơn người mới vào, mà không cần phấn đấu gì cả, vậy rồi ai muốn cống hiến hết mình nữa? Những người mới vào sẽ biết lấy gì làm động lực vươn lên? Khi năng suất cứ giảm dần thì doanh nghiệp chỉ có đường chết.
Do đó, để thừa nhận cống hiến của người lao động, theo tôi, chỉ nên coi thâm niên như những dấu mốc để tặng quà, tặng kỷ niệm chương, thưởng tiền như một cách tri ân cho lòng trung thành. Điều ấy đúng với bản chất của thâm niên, chứ không phải dựa vào số năm làm việc để làm yếu tố tính lương. Doanh nghiệp sản xuất, nếu tính lương theo thời gian gắn bó và thâm niên, thì khó mà tồn tại được. Lương thưởng phải gắn liền với sản phẩm, với năng suất, các yếu tố khác chỉ có thể xem là phụ.
>> 'Sinh viên mới tốt nghiệp ảo tưởng lương 10-15 triệu đồng'
Ở chỗ tôi, vì không có chuyện tính lương theo thâm niên, nên bất kỳ ai cũng phải cố gắng như nhau. Bất kể già - trẻ, nam - nữ, làm lâu hay mới vào, thì lương, thưởng cũng đều do năng suất của họ quyết định. Thợ bậc cao có bậc lương cao hơn người non kinh nghiệm, nhưng nếu họ không cố gắng, duy trì năng suất lao động thì chuyện giảm thưởng, giảm lương, giảm tổng thu nhập là chuyện bình thường, có khi còn không bằng thợ bậc thấp.
Ngược lại, thợ bậc thấp có lương khởi điểm thấp hơn, nhưng nếu có nỗ lực, tạo ra năng suất cao hơn thì sẽ được thưởng lớn. Nhờ đó, ai cũng hiểu rằng mình phải cố gắng liên tục, và cơ hội là dành cho tất cả, ai cũng có thể cải thiện thu nhập của mình.
Theo tôi, một doanh nghiệp muốn tồn tại và phát triển thì ngay từ đầu đã phải loại bỏ yếu tố thâm niên ra khỏi chuyện tính lương. Không thể để một số nhân viên nhờ thâm niên mà lương cao chất ngất, trong khi năng lực thực tế lại không tương xứng. Đừng để khi mọi chuyện đã vượt ngoài tầm kiểm soát, khi đó mọi nỗ lực sửa sai cũng sẽ trở nên vô ích. Câu chuyện hơn 1.000 công nhân Nobland Việt Nam, quận 12, ngừng việc phản đối cách tính lương mới của công ty thời gian gần đây là một ví dụ điển hình.
Thử hình dung, bạn đi làm 10 năm mà không giỏi hơn một người mới vào làm. Vậy chẳng có lý gì công ty phải trả lương cao cho bạn hơn người khác. Công ty kinh doanh chứ không phải quỹ từ thiện, cũng không phải cha mẹ để sẵn lòng trả lương cao cho dù bạn không làm tốt. Nếu tiếp tục tăng lương theo thâm niên, tôi tin bất cứ doanh nghiệp nào cũng sẽ sớm đi đến phá sản.
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.