Bia có nhiều thành phần khác nhau có thể gây kích ứng cổ họng với một số người có bệnh lý. Các tình trạng phổ biến có thể gây đau họng do uống bia như nhạy cảm với sulfite, dị ứng ngũ cốc và không dung nạp rượu. Một số trường hợp bị sưng, đau họng có thể dẫn đến khó thở. Dưới đây là một số nguyên nhân thường gặp gây ra tình trạng này.
Nhạy cảm với chất bảo quản sulfite
Sulfite là chất bảo quản hóa học được sử dụng trong các loại thực phẩm và đồ uống khác nhau để ngăn chặn sự thay đổi màu sắc. Nhạy cảm với sulfite là tình trạng cơ thể phản ứng thái quá với thực phẩm hoặc đồ uống có chứa sulfite. Sulfite có trong bia và có thể gây ra tác dụng phụ sau khi tiêu thụ như đau họng. Theo Phòng khám Cleveland (Mỹ), triệu chứng phổ biến nhất của nhạy cảm với sulfite là bệnh hen suyễn. Bệnh hen suyễn làm co thắt đường thở, dẫn đến khó thở, khó chịu ở cổ họng, ho và thở khò khè.
Dị ứng ngũ cốc
Lúa mạch, lúa mì và các loại ngũ cốc khác thường được sử dụng để làm bia. Người thường dị ứng với một số loại ngũ cốc có thể bị đau họng sau khi uống bia. Mặc dù đau họng là triệu chứng của dị ứng ngũ cốc nhưng một người có thể có hơn một triệu chứng nếu dị ứng với một hoặc nhiều loại ngũ cốc trong bia.
Dị ứng ngũ cốc khiến hệ thống miễn dịch gặp vấn đề, gây ra các phản ứng của cơ thể. Hầu hết các triệu chứng do dị ứng ngũ cốc đều gây sưng và viêm ở mô mềm. Người bị dị ứng ngũ cốc có thể bị nổi mề đay, phát ban da, biến chứng tiêu hóa và nghẹt mũi cùng với đau họng.
Không dung nạp rượu bia
Không dung nạp rượu bia là một tình trạng di truyền gây ra các triệu chứng khác nhau do thiếu một loại enzyme trong hệ thống tiêu hóa. Sự thiếu hụt enzyme khiến rượu bia không được tiêu hóa và không được hấp thụ khi ở trong đường tiêu hóa. Không dung nạp rượu bia cũng có thể là do histamine - sản phẩm phụ hóa học của quá trình sản xuất bia có thể gây ngứa ran, đau ở cổ họng. Histamine trong cơ thể gây ra hầu hết các triệu chứng dị ứng. Nó cũng có thể được tìm thấy trong rau bina, cá ngừ và rượu vang.
Đau họng kéo dài có thể là dấu hiệu của một tình trạng bệnh lý nghiêm trọng hơn. Người bị đau họng kéo dài trong vài ngày thì nên đến gặp bác sĩ. Đau họng kèm theo sốt cao, phát ban hoặc sưng hạch bạch huyết là trường hợp nghiêm trọng cần thăm khám sớm.
Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, uống rượu bia ở mức độ nào cũng có nguy cơ đối với sức khỏe. Vì vậy, người trưởng thành nên hạn chế uống rượu bia ở mức nguy cơ thấp.
Nam giới không nên uống quá 2 đơn vị cồn một ngày và một đơn vị cồn một ngày đối với nữ giới, không uống quá 5 ngày một tuần. Một đơn vị cồn tương đương 10 g cồn nguyên chất chứa trong dung dịch uống, tương đương một lon bia 330 ml (5%) hoặc một cốc bia hơi 330 ml, một ly rượu vang 100 ml (13,5%), một chén rượu mạnh 30 ml (40%). Người mắc các bệnh mạn tính được khuyên hạn chế hoặc tránh uống bia vì có thể khiến bệnh trầm trọng hơn.
Kim Uyên (Theo Livestrong)