Trả lời:
Khi đi du lịch đến một vùng đất khác và phải trải qua nhiều giờ ngồi trên máy bay, các bệnh nhân tim mạch chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng sức khỏe nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng trước và trong chuyến đi. Người từng bị đột quỵ hoặc gặp bất kỳ biến cố tim mạch nào trong vòng 1-2 tháng trước khi đi, tốt nhất không nên tham gia hành trình. Với những người có tiền sử bệnh động mạch vành (CAD), rối loạn nhịp tim (nhịp tim không đều), suy tim, bệnh động mạch phổi hoặc trải qua ca phẫu thuật tim gần đây, từng đặt thiết bị cấy ghép tim... cần hỏi ý kiến bác sĩ nếu muốn đi du lịch.
Bệnh nhân bị tăng huyết áp, lại mới đặt stent mạch vành nên thuộc nhóm đối tượng cần đặc biệt lưu ý khi du lịch dài ngày. Trước tiên, cần đi khám tim mạch, kiểm tra điện tâm đồ, siêu âm tim. Đây là bước quan trọng nhằm đảm bảo chuyến đi được an toàn. Tiếp đến, người bệnh hãy mô tả cho bác sĩ về những triệu chứng gặp phải gần đây (nếu có), chẳng hạn như đau ngực, khó thở, mệt mỏi... Dựa trên thăm khám và kết quả cận lâm sàng, bác sĩ sẽ quyết định bệnh nhân có đủ điều kiện sức khỏe để đi du lịch hay không. Nếu được, khi đi du lịch cần lưu ý một số vấn đề sau:
Mang theo lượng thuốc đủ dùng trong nhiều ngày, dự phòng khả năng chuyến đi kéo dài hơn so với dự kiến. Bên cạnh các loại thuốc theo toa uống hàng ngày, nên hỏi bác sĩ một số loại dùng trong trường hợp khẩn cấp như huyết áp đột ngột tăng cao, cơn đau thắt ngực dữ dội, chóng mặt, ngất xỉu... Chúng sẽ giúp cải thiện tình trạng tạm thời trước khi người bệnh tới cơ sở y tế gần nhất để điều trị.
Nên mang theo máy đo huyết áp, nhịp tim và tiến hành đo hàng ngày (thậm chí nhiều lần trong ngày) để kiểm soát các chỉ số trong giới hạn cho phép. Nếu có chỉ số nào tăng hoặc giảm bất thường, cần uống thuốc điều chỉnh hoặc hỏi ý kiến bác sĩ ngay.
Tìm hiểu kỹ về khí hậu nơi mình sắp đến để chuẩn bị phục trang cho phù hợp, tránh tình trạng cơ thể bị nhiễm lạnh do mặc không đủ ấm. Bên cạnh đó, người bệnh cũng nên tránh những vùng có khí hậu quá nóng.
Nếu phải di chuyển bằng máy bay trong nhiều giờ, cơ thể ít vận động sẽ làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông gây ra huyết khối tĩnh mạch sâu hoặc thuyên tắc phổi. Để giảm thiểu nguy cơ, bệnh nhân không nên ngồi quá lâu mà hãy đứng dậy đi lại sau mỗi 1-2 giờ.
Duy trì chế độ ăn uống, vận động và sinh hoạt lành mạnh trong suốt chuyến đi: ăn các món tốt cho sức khỏe tim mạch, tránh xa thực phẩm chứa nhiều chất béo xấu, muối và đường; tập thể dục đều đặn; không lạm dụng rượu bia; ngủ tối thiểu 7 giờ mỗi đêm; tránh các hoạt động có thể gây áp lực cho tim như thức khuya, dung nạp quá nhiều calo, vận động gắng sức...
Cuối cùng, người bệnh lắng nghe cơ thể mình, đừng bỏ qua bất kỳ triệu chứng khác thường nào như đau ngực, khó thở hoặc thậm chí là mệt mỏi, hụt hơi. Khi cảm thấy bản thân không ổn, người bệnh cần tham khảo ý kiến bác sĩ. Việc giữ liên lạc với bác sĩ theo dõi bệnh cho mình trong suốt chuyến đi là rất cần thiết đối với bệnh nhân tim mạch.
Bác sĩ Trần Đức Minh
Khoa Tim mạch, BVĐK Tâm Anh Hà Nội