Theo ThS.BS Bùi Thị Nga, khoa Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, Tết chỉ khoảng 7 ngày nhưng thực tế tâm lý chơi Tết có khi cả tháng. Những hoạt động như mua sắm, dọn nhà, tất niên, chúc Tết... liên tục, kéo dài khiến người khỏe mạnh không tránh khỏi mệt mỏi, mất sức; bệnh nhân ung thư lại càng bị ảnh hưởng. Trong đó, sức khỏe của bệnh nhân ung thư giai đoạn 3, 4, giảm sút rất nhanh nếu không chú ý bồi bổ, nghỉ ngơi và dùng thuốc đều đặn.
Để bảo vệ sức khỏe ngày Tết, bác sĩ Nga lưu ý bệnh nhân ung thư những điều sau đây.
Ăn uống điều độ, đúng giờ
Người ung thư thường ăn không ngon miệng do bệnh và tác dụng phụ của thuốc điều trị. Ăn uống kém khiến cơ thể thiếu hụt dinh dưỡng, làm cho tình trạng suy kiệt diễn ra nhanh hơn. Nếu không kịp thời bồi bổ, cơ thể sẽ mất sức, không đủ sức đề kháng để chống chọi với ung thư.
Ngày Tết, bản thân bệnh nhân dễ có tâm lý lơ là trong việc ăn uống, tẩm bổ. Người nhà cũng bận rộn nên chăm sóc người bệnh không được sát sao như ngày thường. Đây là khoảng thời gian người bệnh dễ tụt khỏi mốc sức khỏe đã duy trì ổn định.
Bệnh nhân ung thư nên chú ý ăn đúng giờ, đủ lượng; dùng các đồ ăn thức uống lành mạnh, tiếp tục ưu tiên rau xanh, trái cây và thức ăn được chế biến từ thịt cá tươi ngon. Người bệnh uống đủ 2 lít nước hàng ngày; không uống rượu bia, nước ngọt, hút thuốc lá; tránh đồ sống như các món gỏi, cá sống, sushi, dưa cà muối. Ăn quá no hoặc chỉ ăn một loại thực phẩm cũng không tốt. Ăn uống đa dạng, khoa học giúp đảm bảo cung cấp đủ chất dinh dưỡng cho cơ thể.
Ngủ đủ giấc, đúng giờ
Thời điểm Tết là lúc giờ giấc sinh hoạt dễ bị đảo lộn. Ngủ quá trễ, ngủ không đủ giấc ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe, nhất là bệnh nhân ung thư đang trong tình trạng mệt mỏi, suy giảm miễn dịch sẵn. Nếu thức đêm, thiếu ngủ kéo dài, tình trạng suy kiệt sẽ diễn ra nhanh hơn khiến bệnh chuyển biến xấu. Người bệnh cần chú ý ngủ đủ 8-10 tiếng mỗi ngày, không thức khuya quá 22h; tránh uống trà, cà phê quá gần giờ ngủ.
Tránh lái xe đường dài
Người bệnh ung thư không nên tự lái xe đường dài dù là xe hơi hay xe máy vì dễ mệt mỏi. Chưa kể những loại ung thư có ảnh hưởng đến dây thần kinh tứ chi, hệ thống xương khớp hoặc thị lực như ung thư não, ung thư tủy... khiến lái xe rất nguy hiểm.
Tránh đến nơi đông người
Bệnh nhân ung thư có hệ miễn dịch suy yếu nên cơ thể rất dễ nhiễm các bệnh truyền nhiễm. Người bệnh cần tránh đến những nơi đông người, hạn chế tham gia vào các lễ hội để phòng ngừa nguy cơ nhiễm bệnh. Đeo khẩu trang và giữ ấm cơ thể khi ra khỏi nhà cũng rất cần thiết, nhất là với bệnh nhân ung thư phổi, ung thư vòm họng.
Tránh các hoạt động gây mất sức
Nhảy, hát trong bar, phòng karaoke, hội trường với âm thanh lớn dễ gây mất sức nhanh chóng. Người bệnh ung thư có sức khỏe kém nên hạn chế các hoạt động vui chơi này và các trò chơi cần nhiều sức lực như đấu vật, đua thuyền, bơi lội...
Hạn chế tiếp xúc với khói nhang
Hương nhang được làm từ nhiều thành phần thảo mộc tự nhiên nhưng có thể có cả các hóa chất để giữ tàn, tạo độ cong, giữ mùi thơm lâu. Các chất H3PO4, P2O5, estephotphat, CO2, SO2, nox, formaldehyde... được thêm vào quá trình sản xuất nhang hoặc sinh ra khi nhang cháy rất độc hại. Nếu tiếp xúc với khói nhang, người bệnh ung thư có thể bị đau đầu, choáng váng, khó thở, ho hen. Các loại hóa chất này ảnh hưởng xấu đến bệnh ung thư phổi. Người bệnh cần tránh tiếp xúc với khói nhang để bảo vệ sức khỏe ngày Tết.
Uống thuốc đầy đủ theo toa
Tiếp tục duy trì uống thuốc điều trị theo kê đơn của bác sĩ là những lưu ý cần thiết. Việc quên hoặc sử dụng thuốc thất thường sẽ ảnh hưởng đến quá trình điều trị bệnh. Trường hợp có lịch hóa trị, xạ trị sát Tết mà không thể đến bệnh viện, người bệnh cần liên hệ với bác sĩ chuyên khoa Ung bướu để được tư vấn, hướng dẫn.
Nguyên Phương