Duy trì một chế độ ăn uống lành mạnh rất cần thiết với người bị bệnh thận, đặc biệt với bệnh suy thận. Bệnh thận càng tiến triển, người bệnh càng phải hạn chế một số thực phẩm không tốt vì có thể gây áp lực cho thận và gây tổn thương thận nhiều hơn.
Dưới đây là 6 nhóm thực phẩm nên tránh khi bị bệnh thận:
Thực phẩm giàu protein
Cơ thể cần protein để xây dựng cơ bắp, sửa chữa các mô nhưng dưỡng chất này cũng khiến thận làm việc nhiều hơn để loại bỏ chất thải. Do đó, nếu dung nạp quá nhiều thực phẩm giàu protein đặc biệt các sản phẩm động vật như thịt đỏ, thịt gia cầm, cá và trứng sẽ khiến thận phải làm việc nhiều hơn. Đặc biệt, điều này còn có thể làm tăng tốc độ tổn thương thận với những người đang mắc bệnh.
Tuy nhiên không vì thế mà loại bỏ hoàn toàn protein ra khỏi chế độ ăn khi mắc bệnh thận, thay vào đó hãy bổ sung từ trái cây và rau quả, bánh mì, gạo.
Muối và đồ ăn mặn
Muối hay natri là gia vị phổ biến có trong nhiều loại thực phẩm chúng ta ăn hàng ngày, đặc biệt là thực phẩm đã qua chế biến. Muối có ảnh hưởng nhiều trong việc cơ thể duy trì và dung nạp chất lỏng. Thận khỏe mạnh sẽ giúp duy trì sự cân bằng chất lỏng phù hợp nhưng khi đang bị bệnh thận, chức năng này có thể gây ảnh hưởng. Quá nhiều muối sẽ khiến cơ thể giữ lại nhiều chất lỏng hơn, ảnh hưởng đến huyết áp và có thể gây ra bệnh tim, phổi.
Vì vậy, hãy tránh các sản phẩm có hàm lượng natri cao như nước tương và thực phẩm đóng gói, chế biến sẵn. Bên cạnh đó, chọn các món ít muối và khi nấu ăn ở nhà, hãy thử dùng các loại gia vị và thảo mộc để tạo hương vị thay vì thêm muối.
Trái cây và rau quả chứa nhiều kali
Kali có thể gây áp lực cho thận nên cần được hạn chế trong chế độ ăn uống cho người bệnh thận. Nhiều loại trái cây có hàm lượng kali cao như dưa, chuối, cam, mận khô và cà chua (cả ăn quả và nước ép). Khoáng chất này cũng cao hơn trong các sản phẩm từ sữa, bơ, cám, đậu, đậu lăng và các loại hạt.
Nước ngọt có ga sẫm màu, nước ép trái cây, một số loại trà... có hàm lượng kali cao hơn trong khi táo, nho, dâu tây, súp lơ, bánh mì trắng, pita, thịt gà và gạo trắng chứa ít kali.

Những thực phẩm giàu kali như chuối, bơ, sản phẩm từ sữa có thể gây quá tải cho thận. Ảnh: iStock
Thực phẩm giàu phốt pho
Phốt pho là thành phần tạo nên cấu trúc xương và răng, đồng thời giúp cơ thể sử dụng carbohydrate và chất béo. Nhưng chất này cũng nên hạn chế nếu bạn đang duy trì chế độ ăn kiêng cho bệnh thận giai đoạn 4.
Các loại thực phẩm giàu phốt pho cần tránh bao gồm các sản phẩm từ sữa, chocolate, thực phẩm đã qua chế biến và có tẩm gia vị, bột nở, bánh mì nguyên hạt, ngũ cốc nguyên cám, bột yến mạch, các loại hạt, nước ngọt màu sẫm...
Thực phẩm có lượng phốt pho thấp hơn bao gồm ngũ cốc ngô hoặc gạo, bỏng ngô (không có muối), bánh mì Pháp hoặc Ý, nước chanh và một số loại nước ngọt có ga không có có màu sẫm.
Thực phẩm giàu canxi
Quá nhiều canxi có thể gây sỏi thận, đặc biệt không có lợi với những người đang mắc bệnh này. Các loại thực phẩm có chứa canxi bao gồm chế phẩm từ sữa hay các thực phẩm có hàm lượng phốt pho cao.
Vì vậy, bằng cách tránh những thực phẩm đó, bạn cũng giúp loại bớt cả phốt pho và canxi khỏi chế độ ăn uống của mình. Nếu đang bổ sung các sản phẩm có chứa canxi hoặc vitamin D, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ tiết niệu trước khi sử dụng.
Đồ uống có cồn
Bia rượu ảnh hưởng không tốt đến gan và thận. Các nhà nghiên cứu đã ghi nhận, nếu gan bị tổn thương, thận có thể bị tổn thương theo khi chúng cố gắng bù đắp tổn thương ở gan do uống rượu.
Rượu cũng khiến cơ thể mất nước và ảnh hưởng đến hiệu quả lọc của thận. Ngoài ra, uống quá nhiều rượu có thể làm tăng huyết áp, tác nhân gây hại cho thận.
Bảo Bảo (Theo Healthgrades)