Bác sĩ chuyên khoa II Võ Thị Kim Thanh (Trung tâm Tiết niệu Thận học, BVĐK Tâm Anh TP.HCM), người bị bệnh thận mạn tính cần có chế độ ăn uống phù hợp nhất là vào các dịp lễ Tết để tránh làm tổn thương thêm thận, giúp bảo tồn chức năng thận và làm giảm một số triệu chứng do bệnh gây ra như mệt mỏi, chán ăn, các vấn đề về tiểu tiện và đau thận.
Các loại hạt rang muối, trái cây sấy khô thường được bày trong ngày Tết chứa một lượng lớn natri, kali, phốt pho, oxalat. Đây đều là những hợp chất không được khuyến khích cho người mắc bệnh thận bởi có thể làm bệnh tiến triển nặng, tăng kích thước sỏi, phát sinh những vấn đề sức khỏe khác. Cụ thể, khi natri bị tích tụ quá nhiều trong cơ thể sẽ gây tăng huyết áp, gây phù nề, khó thở, bọng mắt.... Oxalat tích tụ làm tăng kích thước sỏi gây đau dữ dội, buồn nôn, thậm chí tiểu ra máu khi chúng di chuyển qua đường tiết niệu. Photpho không được thận xử lý sẽ tích tụ dư thừa trong máu có thể gây yếu xương, khiến xương dễ gãy. Kali tích tụ gây tình trạng tăng kali trong máu, yếu cơ, rối loạn nhịp tim, thậm chí ngưng tim...
Những loại hạt có hàm lượng cao các chất gây hại cho thận kể trên bao gồm:
Hạt điều: Chứa khoảng 147 đến 250 mg oxalat/100 g hạt, tiêu thụ quá mức gây sỏi thận, suy thận.
Hạnh nhân: Cũng giống như hạt điều, hạnh nhân chứa hàm lượng cao oxalat hòa tan và không hòa tan có thể làm tăng kích thước sỏi thận. Ngoài ra, hạnh nhân còn giàu phốt pho.
Hạt hướng dương: 30g hạt hướng dương rang muối cung cấp 174 mg natri, cùng với hàm lượng phốt pho cao có thể gây cản trở hoạt động của thận.
Đậu phộng/ bơ đậu phộng: Không chỉ có hàm lượng oxalat cao (khoảng 147 đến 250 mg oxalat/100 g hạt), đậu phộng còn giàu phốt pho có thể làm nặng hơn tình trạng bệnh ở người bệnh thận hoặc đang bị sỏi thận, thậm chí gây viêm hoặc tổn thương tế bào mô thận.
Hoa quả/ hạt sấy khô: Nhóm thực phẩm này bao gồm chà là, nho, mận, chuối, hạt sen... sấy khô. Khi được sấy khô, tất cả các chất dinh dưỡng của chúng được cô đặc, bao gồm cả kali. Cụ thể, 1 chén mận khô chứa 1.274 mg kali, 4 quả chà là chứa 668 mg kali, 100 g hạt sen khô chứa 367 mg Kali; 40-50 g nho khô chứa 320 mg kali... Với lượng kali cao trong các loại trái cây sấy khô thường xuất hiện trong khay mứt ngày Tết này, người bệnh thận không nên ăn hoặc nên xin tư vấn bác sĩ Tiết niệu nếu đang trong chế độ ăn kiêng để duy trì lượng kali ở mức ổn định.
Người bệnh thận chỉ nên thu nạp mức natri < 2,3mg/ngày); kali < 2g/ ngày); phốt pho < 800 - 1.000mg/ ngày; oxalat < 100 miligam/ ngày với người bệnh có lượng oxalat cao trong nước tiểu.
Tuy nhiên, người bệnh thận có thể ăn hạt mắc ca. Lý do là khác với các hạt trên, hạt mắc ca có hàm lượng phốt pho, natri thấp. Ngoài ra, hạt này còn chứa các dưỡng chất như vitamin B, magiê, đồng, sắt, mangan và chất béo lành mạnh.
Bác sĩ Thanh cũng cho hay, tùy thuộc vào mức độ bệnh, bác sĩ có thể tính toán cân bằng thực đơn, căn chỉnh và xem xét giảm những thức ăn khác để không gây áp lực lên thận. Nếu ở giai đoạn đầu của bệnh thận, người bệnh có thể duy trì chế độ ăn uống hiện tại mà không cần kiêng khem quá mức. Tuy nhiên, khi tình trạng tổn thương thận diễn tiến nặng, người bệnh cần phải tuân theo thực đơn ăn uống trị bệnh của bác sĩ. Người bệnh suy thận cũng cần hạn chế uống nước, duy trì mức khoảng 300 - 500ml/ ngày.
Chang Chang