Thận là cơ quan quan trọng, đảm nhiệm chức năng lọc máu, đào thải độc tố, chất dư thừa khỏi cơ thể, qua đó giúp cân bằng điện giải, điều hòa huyết áp, duy trì độ pH máu. Thận còn tham gia vào quá trình tạo máu và tạo xương.
Chức năng lọc máu của người bệnh thận suy giảm nên cần kiểm soát chặt chẽ chế độ dinh dưỡng, bao gồm những loại nước đưa vào cơ thể. BS.CKII Đinh Cẩm Tú, Trưởng đơn vị Thận nhân tạo, khoa Nội thận - Lọc máu, Trung tâm Tiết niệu - Thận học - Nam khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết một số đồ uống dưới đây người bệnh thận nên hạn chế hoặc không sử dụng.
Bia, rượu và đồ uống có cồn: Không tốt cho chức năng gan mà cả thận. Uống bia rượu thường xuyên khiến thận phải làm việc quá tải để đào thải độc tố, gây suy giảm chức năng thận. Một số trường hợp có thể phát sinh đợt suy thận cấp tính.
Nước ngọt có gas, nước sủi bọt: Đồ uống có gas (kể cả nước ngọt dành cho người ăn kiêng), những loại đồ uống sủi bọt làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, thừa cân, béo phì, tăng huyết áp, sỏi thận... đều là những yếu tố có nguy cơ diễn tiến đến bệnh thận mạn cao.
Các nhà khoa học Hàn Quốc thực hiện một nghiên cứu trong hơn 10 năm trên 127.000 người. Kết quả công bố đầu năm 2024 cho thấy người thường xuyên uống nước ngọt có nguy cơ mắc bệnh thận mạn cao hơn người không tiêu thụ 1,1-1,26 lần.
Nước tăng lực: Những loại nước tăng lực chứa lượng lớn caffeine (chất giúp tinh thần tỉnh táo, tập trung) gấp nhiều lần so với trà và cà phê. Nước tăng lực cũng chứa nhiều đường. Do đó, uống thường xuyên khiến thận phải làm việc nhiều hơn, dẫn đến tổn thương, khiến bệnh thận tiến triển.
Những loại nước lá cây: Bác sĩ Tú cho biết hiện chưa có bằng chứng khoa học nào chứng minh nước lá cây như cỏ mực, lá đu đủ, đậu đen xanh lòng, sa kê... có tác dụng chữa bệnh sỏi thận, suy thận hay một số bệnh khác như tiểu đường. Những loại lá cây này chứa nhiều độc tố có hại cho thận và gan. Thường xuyên uống khiến thận, gan làm việc quá tải để đào thải hết chất độc, nguy cơ gây suy thận, suy gan.
Nước ép một số trái cây: Với người bệnh thận mạn, nhất là suy thận mạn giai đoạn cuối, chức năng lọc máu của thận suy giảm nhiều, không còn khả năng lọc thải kali ra khỏi cơ thể. Người bệnh cần tránh ăn hoặc uống nước ép từ trái cây giàu kali như nước dừa, xoài, nho, cam, chuối, cà chua...
Sữa: Sữa bò, sữa hạt thông thường chứa hàm lượng đáng kể đạm, kali, phốt pho. Tiêu thụ nhiều những chất này tạo áp lực lớn cho thận, không tốt cho người bệnh thận mạn, nhất là người suy thận giai đoạn cuối chưa điều trị thay thế thận. Tuy nhiên, hiện nay có sữa giảm đạm dành riêng cho người bệnh thận. Người bệnh có thể tham khảo ý kiến bác sĩ để chọn loại phù hợp, vừa giúp bổ sung dinh dưỡng vừa không gây hại thận.
Bác sĩ Cẩm Tú khuyên người bệnh thận cần tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa để xây dựng chế độ ăn uống phù hợp cho sức khỏe nói chung, sức khỏe thận nói riêng. Không tự ý sử dụng bất kỳ loại nước lá cây, thực phẩm bổ sung, thực phẩm chức năng, thuốc để tránh tổn thương thận nghiêm trọng hơn, khiến bệnh tiến triển nhanh hơn.
Thắng Vũ
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh thận tại đây để bác sĩ giải đáp |