Chia sẻ xung quanh câu chuyện dạy và học Tiếng Anh ở Việt Nam, nhiều độc giả VnExpress cho rằng giáo dục phổ thông chỉ nên hướng đến mục tiêu dạy học sinh giao tiếp thay vì tập trung quá nhiều vào ngữ pháp:
Là một giáo viên Tiếng Anh, tôi đã từng vật vã chọn lựa giữa hai mục tiêu: dạy để học sinh có thể giao tiếp, vận dụng vào đời sống hàng ngay hay để dạy để đáp ứng điểm số trong kỳ thi? Cuối cùng, tôi buộc phải chọn mục tiêu thứ hai. Giáo dục của chúng ta còn quá nặng về thành tích thi cử, đỗ đạt, mà các kỳ thi thì đâu kiểm tra đến kỹ năng giao tiếp trong đời sống? Sau khi tốt nghiệp đại học, những gì đã học về ngữ pháp Tiếng Anh gần như đều bị vứt xó, hoặc không cũng phải cố nhào nặn để phù hợp với các kiểu đề ở các kỳ thi.
Cái khó thứ hai là sự bó buộc về nội dung chương trình và thời gian, năng lực người học trên thực tế. Với một lớp trên 40 học sinh, người dạy ngoại ngữ gần như không thể tạo ra và quản lý môi trường tương tác hiệu quả cho mọi thành viên, chưa kể phần lớn học sinh rất thụ động do nhiễm cách học đọc - chép. Bây giờ, muốn thay đổi, chúng ta sẽ phải chịu sự tổn thất về điểm số trong một thời gian dài để tạo cho người học thói quen dùng ngoại ngữ giao tiếp.
Tôi cũng luôn đau đáu việc này khi hiểu rằng học một ngôn ngữ, suy cho cùng cũng là để có thể giao tiếp, biểu đạt và hiểu được những giá trị mà ngôn ngữ đó mang lại, chứ không phải những bài thi ngữ pháp, nghe nói một cách mô típ, sáo rỗng và khô cứng. Tuy nhiên, rất đau lòng là việc học ở nhà trường lại không theo ý tôi. Nếu tôi dạy con theo hướng ngược lại nhà trường sẽ khiến con nhận điểm kém.
Tiếng Anh là một ngôn ngữ như bao ngôn ngữ khác, nhưng vì nó phổ biến ở các nước phát triển nên buộc chúng ta phải học nó để học hỏi họ, làm ăn với họ. Vì vậy, chúng ta cần tập trung vào mục đích học là để giao tiếp, hiểu người ta muốn nói gì, chứ không phải học chỉ để thi đậu.
Thi cử cũng tốt, hiểu văn phạm cũng tốt, nhưng đó là với những người muốn hiểu sâu về văn hóa của họ, coi Tiếng Anh là chuyên nghành của mình. Còn với những người theo nghành khác, không học ngành ngôn ngữ học, chỉ cần nghe tốt, phản xạ tốt, đọc hiểu tốt là đã hoàn thành mục đích học của mình.
Trẻ con chỉ học nói, giao tiếp thành thạo Tiếng Anh như ngôn ngữ mẹ đẻ khi mới bắt đầu học. Khi tới một mức độ nào đó, bé muốn viết hoặc học ngữ pháp, lúc đó việc tiếp thu sẽ rất dễ dàng vì bé đã sử dụng ngoại ngữ thường xuyên, hằng ngày như một thói quen. Bé chỉ cần suy luận hoặc học đôi chút là sẽ hiểu hết được ngữ pháp. Cháu tôi năm tuổi nhưng nói Tiếng Anh còn giỏi hơn mẹ, do học trường quốc tế giao tiếp nhiều với người nước ngoài. Hiện tại, dù chúng tôi chưa dạy viết nhưng bé đã có thể tự nhìn và đoán mặt chữ để đọc như học tiếng Việt. Ngữ pháp chỉ là thứ yếu khi chúng ta bước ra thế giới, quan trọng vẫn là giao tiếp.
Việc học ngoại ngữ, nghe hiểu và phản xạ nói được mới gọi là biết giao tiếp. Cho nên, đừng đòi hỏi các em phải hiểu rõ ngữ pháp Tiếng Anh. Ngay cả với Tiếng Việt, chúng ta học suốt 12 năm, nhưng thử hỏi có được bao nhiêu em hiểu cơ bản về tiếng mẹ đẻ để nói rõ ràng suy nghĩ của mình, và khó hơn là phản biện? Đây là vấn đề muôn thuở với giáo dục.
Kinh nghiệm của tôi: học bất cứ một ngoại ngữ nào, trước hết là sử dụng được ngoại ngữ đó trong giao tiếp thường ngày, tức là sử dụng được kỹ năng nghe và nói với ngoại ngữ đó. Nếu có cơ hội tốt nhất, đó là dùng ngôn ngữ đã học được để giao tiếp với người bản địa. Nếu không có cơ hội đó, hãy tự tạo ra cơ hội bằng cách giao tiếp với bạn bè, với người quen, với những người có thể sử dụng ngôn ngữ đó để giao tiếp.
Nếu không, cũng có một cơ hội luôn luôn tồn tại, đó là giao tiếp với chính bản thân mình. Tức là tự mỗi người phân chia thành các vai diễn, các nhân vật khác nhau và giao tiếp với nhau, dựa trên cơ sở là các hội thoại đã được in ra trong các tài liệu khác nhau mà ta có thể kiếm được. Khi các kỹ năng nghe và nói đã thành thạo, việc học và rèn luyện thêm các kỹ năng đọc, viết trên cơ sở nắm vững ngữ pháp, thuộc các cụm từ dạng thành ngữ, sẽ trở nên dễ dàng hơn nhiều.
>> Bạn có đồng tình với quan điểm này? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.