(Bài Ý kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net)
Đa phần chúng ta đều muốn con cái của mình biết tiếng Anh càng sớm càng tốt. Thậm chí, có người đặt vấn đề rất mâu thuẫn: ép con học ngoại ngữ sớm để sau này có thể trở thành ông nọ bà kia theo ý mình, nhưng lại muốn phải cho chúng tự do theo đuổi đam mê, sở thích riêng.
Vì sao tiếng Anh phổ biến trên thế giới? Vì suốt 200 năm, từ thế kỷ 19 đến thế kỷ 20, trước là nước Anh, sau là nước Mỹ luôn dẫn đầu thế giới về khoa học, quân sự, chính trị. Ngoài ra, trước thế chiến II, 2/3 quốc gia trên thế giới là thuộc địa của Anh.
Vì sao một số quốc gia xem tiếng Anh là quốc ngữ? Vì họ có quá nhiều dân tộc, chủng tộc với quá nhiều ngôn ngữ, nhưng lại không có dân tộc, chủng tộc nào chiếm đa số tuyệt đối để có thể chọn ra một ngôn ngữ duy nhất.
Việc cho trẻ em học ngoại ngữ sớm là một biểu hiện cho thấy bạn là người sính ngoại. Thật ra, chúng ta thua kém thế giới chủ yếu về mặt tư duy logic, không liên quan gì đến ngôn ngữ hay văn hóa. Tôi đi du lịch Nhật Bản, Trung Quốc, trên các biển báo hướng dẫn ở nơi công cộng, tiếng bản xứ của họ rất to, đứng xa cũng nhìn thấy; trong khi tiếng Anh rất nhỏ ở tận dưới, phải lại gần mới thấy được. Ngôn ngữ mẹ đẻ là một trong những thứ thuộc về văn hóa, là niềm tự hào dân tộc. Coi trọng một ngôn ngữ khác hơn tiếng mẹ đẻ là mất gốc. Điều đáng buồn là có vẻ nhiều người đang tỏ ra tự hào về chuyện này. Việt Kiều xa xứ hàng chục năm vẫn cố gắng duy trì tiếng Việt, trong khi nhều người trong nước lại quá đề cao ngoại ngữ.
Không đi ra ngoài, không tận mắt nhìn thấy mặt tối của họ thì lúc nào cũng nghĩ nước ngoài cái gì cũng hơn ta. Công ty của tôi đổi chủ. Ông chủ mới là người ngoại quốc. Biết tôi thường hay viết bình luận trên báo, ông thường mời tôi đi ăn hay đi uống cà phê. Sau khi yên vị, người sếp đó đề nghị: "tôi nói chuyện với cậu bằng tiếng Việt, cậu nói chuyện với tôi bằng tiếng Anh, sai đâu sửa đó". Tôi nói được tiếng Anh lưu loát là nhờ ông, ông nói được tiếng Việt lưu loát cũng là nhờ tôi.
- Tôi hỏi: "Tiếng Việt không phải là ngôn ngữ thông dụng trên thế giới, ông học để làm gì?".
- "Tôi đầu tư làm ăn ở Việt Nam, không thông thạo tiếng Việt, bất lợi lắm".
- "Ông làm ăn ở đâu thì học ngôn ngữ ở đó sao?".
- Ông tròn mắt nhìn tôi: "Đó là chuyện đương nhiên, bây giờ cậu mới biết à?".
Tôi ngẫm lại và thấy cũng đúng. Không ít ông Tây bà đầm ở Việt Nam, chỉ vài năm thôi, họ nói tiếng Việt còn lưu loát hơn cả người Việt. Bạn nào từng đi làm ở nước ngoài dài ngày tại những quốc gia không nói tiếng Anh, không biết ngôn ngữ bản xứ của họ sẽ rất bất tiện, làm cái gì cũng "bó chân, bó tay" bởi vì người ta cũng chỉ biết tiếng Anh ở trình độ như mình.
>> 'Không nên cho trẻ học tiếng Anh trước 12 tuổi'
Học ngôn ngữ nào (bao gồm cả tiếng mẹ đẻ) bao giờ cũng có sự chuyển ngữ ở trong đầu. Đầu tiên, giống như con nít mới học nói là những từ ngữ đi kèm với hình ảnh. Ví như chỉ con cá và nói "con cá" thì sau này nhìn thấy bất cứ con gì có hình dạng tương tự, chúng sẽ gọi chung là "con cá". Cao hơn là những từ có tính chất trừu tượng không thể dùng hình ảnh minh họa như "cám ơn", "xin lỗi"... Những từ này phải dùng tình huống, ngữ cảnh để giải thích. Chuyển ngữ không phải là dịch từ Anh sang Việt hay Việt sang Anh. Khi bạn thông thạo tiếng mẹ đẻ thì việc giỏi một ngôn ngữ thứ hai chỉ là vấn đề thời gian. Tôi chưa từng thấy ông Tây nào giỏi tiếng Việt hơn tiếng mẹ đẻ của họ dù họ có là chuyên gia ngôn ngữ đi nữa.
Vì sao nhiều người Việt tôn sùng tiếng Anh, điều mà tôi chưa từng nhìn thấy ở bất kỳ nước nào? Vì chúng ta học tiếng Anh, hoặc là không đúng cách, hoặc là không đúng mục tiêu. Cả công ty chỉ có mỗi ông chủ là người ngoại quốc, nói tiếng Việt lưu loát, thì nhân viên học tiếng Anh để làm gì? Khách hàng toàn bộ là người Việt thì bạn dùng tiếng Anh với ai?
Rõ ràng, nhiều người học tiếng Anh chỉ để khoe mẽ bởi vì những người có điều kiện đi nước ngoài làm việc, du học chỉ chiếm số ít trong xã hội chúng ta. Còn tiếng Anh trong công sở? Mỗi ngày chỉ xài ngần ấy từ ngữ lặp đi lặp lại, người dốt tiếng Anh đến mấy vẫn nói lưu loát được. Muốn đi du học, làm việc thì đi kèm với tiếng Anh là học vấn chứ đâu phải chỉ có tiếng Anh là đủ. Thứ học vấn ấy bạn học bằng thứ ngôn ngữ nào? Rõ ràng là học bằng tiếng mẹ đẻ nhưng lại không tôn trọng chính thứ tiếng của đất nước mình, là sao?
Chúng ta học tiếng Anh để dùng nó làm phương tiện giao tiếp, học tập tri thức của nước ngoài, chứ không phải để tự biến mình thành người ngoại quốc rồi dùng tiếng Anh nói chuyện với người Việt. Trung Quốc từ một nước nghèo, sau 40 năm phát triển trở thành cường quốc là nhờ dân Trung Quốc đi học tiếng Anh hết sao? Họ phát triển được như vậy là nhờ tư duy của họ chứ đâu phải nhờ biết ngoại ngữ. Học tiếng Anh cho cố mà tư duy không có thì học chỉ phí thời gian.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.