Xung quanh câu chuyện "Khi nào trẻ nên bắt đầu học ngoại ngữ?", độc giả Thanh thúy chia sẻ kinh nghiệm của bản thân:
"Tôi có hai con sinh đôi. Tôi cho chúng nghe nhạc, hát theo các bài hát tiếng Anh từ năm 2 tuổi. Năm con 3 tuổi, tôi bắt đầu tự dạy chúng những từ về đồ vật, con vật, trái cây... và nói những câu cơ bản. Hai đứa bé thường xuyên nói chuyện và đùa giỡn nhau bằng những câu tiếng Anh. Đến năm chúng được 5 tuổi, vợ chồng tôi thay đổi công việc, sang công ty mới rất nhiều sức ép và thường xuyên về muộn. Về nhà vợ chồng chỉ ăn cơm, tắm rửa, chơi với con một lúc là hết ngày.
Nửa năm nay, tôi thấy con đã quên rất nhiều, chúng gần như không nhớ những gì trước đây bố mẹ dạy. Lúc này, tôi mới nhận ra ngoại ngữ là phải được sử dụng liên tục. Điều đó đúng với cả người lớn và trẻ em. Vợ chồng tôi bắt đầu dạy lại con mỗi ngày một ít và mọi thứ lại dường như đang bắt đầu trở lại. Các bố mẹ không nên quá lo lắng việc cho con học sớm sẽ khiến chúng quên, bởi chúng sẽ nhanh chóng nhớ lại khi cần dùng và được ôn lại.
Bản thân tôi cũng đến năm cấp 2 mới bắt đầu học tiếng Anh. Nhà nghèo chẳng có điều kiện học thêm nên tôi toàn tự học. Đến năm cấp 3, tôi thi khối A nhưng tiếng Anh vẫn chú trọng học. Đến khi đi làm, tuy làm nghành kỹ thuật nhưng tôi có thể sử dụng tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai của mình để đọc tài liệu và giao tiếp. Việc học của con là sự đồng hành của cả bố và mẹ. Mỗi người nên bớt chút thời gian dành cho con sẽ thấy được hiệu quả rõ rệt".
Đồng tình với quan điểm dạy con học tiếng Anh từ sớm, bạn đọc Nguyen Thu Trang chia sẻ:
"Con tôi học tiếng Anh từ năm 4 tuổi. Giờ cháu có thể nói chuyện bằng tiếng Anh ngang ngửa mẹ, nhưng cháu phát âm còn chuẩn hơn dù tôi là dân chuyên ngữ và công việc hàng ngày dùng tiếng Anh 80% từ nhiều năm nay".
"Vợ chồng tôi người Nghệ An, ra Bắc làm cho công ty nước ngoài. Chúng tôi vẫn thường cho con xem video tiếng Anh, trong giao tiếp hàng ngày vẫn dạy cháu cả tiếng Anh và tiếng Việt và cả tiếng Nghệ An, tiếng Bắc nữa. Tôi thấy vẫn tiếp thu một cách bình thường tự nhiên. Bé nhà tôi mới tròn 3 tuổi", độc giả Thang bổ sung.
>> 'Con tôi lớp 9 đạt IELTS 6.5 vì học tiếng Anh từ 2 tuổi'
Tuy nhiên, lo lắng về việc dạy trẻ học tiếng Anh sớm có thể dẫn tới rối loạn ngôn ngữ, bạn đọc Hoan Le Sy nhận định:
"Tôi lại có quan điểm ngược lại, nếu cho trẻ học ngoại ngữ quá sớm thì rất dễ dẫn đến tình trạng rối loạn ngôn ngữ. Cứ theo tiêu chuẩn của các nước châu Âu, cho trẻ bắt đầu học ngoại ngữ từ năm 10 tuổi. Bản thân tôi học tiếng Anh từ năm 15 tuổi, đã có bằng cử nhân ngoại ngữ, có thể nói được cả tiếng anh và tiếng Trung, đi làm với đồng nghiệp người nước ngoại hầu như không có khó khăn gì mặt ngôn ngữ".
Độc giả Hieu Nguyen Trung bày tỏ quan điểm:
"Tôi nghiên cứu lĩnh vực này khá lâu, ngôn là âm thanh (tiếng nói) kết hợp với hình ảnh (chữ viết), nên việc tiếp nhận cái mới là dễ dàng với trẻ. Ví dụ: chúng ta thấy một quả táo, có người gọi tên nó là quả táo, có người gọi nó là 'trái bơm', có người gọi nó là apple. Thực tế, đó là một (quả = trái, táo = bơm...), trẻ con quen với cách gọi khác nhau, và tự nhiên sẽ ứng với "các cách gọi" của người đối diện mà phản xạ. Trẻ con sẽ có cách "diễn đạt phù hợp ngữ cảnh" mà chúng tham gia (sẽ nghe và nói được ngay từ lúc nhỏ, dần dần sẽ "viết như những gì chúng quen nói"). Thực tế này đã được các nhà khoa học chứng minh. Hơn nữa, ngoài xã hội có nhiều trẻ em dưới 5 tuổi đã nghe nói được nhiều ngôn ngữ".
Chia sẻ chính kinh nghiệm dạy con thực tế của bản thân, bạn đọc Ngoc An Tran nhấn mạnh:
"Nếu bạn nào nói cho con học sớm sẽ làm loạn ngôn ngữ thì tôi nghĩ các bạn quá cứng nhắc. Con tôi không đi học thầy cô nào cả, khi con lên 2 tuổi, tôi cho con nghe các đĩa CD tiếng Anh lúc chơi nên bé linh hoạt cả hai ngôn ngữ từ lúc 4 tuổi. Con tôi đọc sách tiếng Việt trôi chảy và vốn từ vựng tiếng Anh cũng khá tốt. Khi con tròn 4 tuổi, tôi cho con đi học thêm tiếng Anh,. Giờ 7 tuổi, con có thể nói chuyện với thầy cô nước ngoài trôi chảy, phát âm tiếng Anh chuẩn như người bản xứ, và trong quá trình con học, tôi chưa bao giờ thấy con lẫn lộn tiếng Anh - tiếng Việt".
Trong khi đó, độc giả Thanh Tran Le lại có kinh nghiệm khác về biện pháp giúp con không bị rối loạn ngôn ngữ khi học tiếng Anh từ sớm:
"Con gái tôi khi bắt đầu tập nói, cháu toàn nói tiếng Anh vì tôi cho cháu xem các video hiện có rất nhiều trên Youtube. Tôi phải song hành cùng con để dạy nói tiếng Việt cho đúng. Khi bắt đầu vào lớp 1, cháu cũng bị rối loạn ngôn ngữ. Ví dụ: cô đọc chữ "a", cháu viết chữ "r"; cô đọc chữ i, cháu viết chữ "e"... rất nhiều nhầm lẫn như vậy. Lúc đầu, vợ chồng tôi song hành giúp đỡ con, bây giờ cháu đã khá hơn nhiều. Cháu học sớm tiếng Anh và nghe giọng chuẩn của đĩa học nên nói rất giống như trẻ em bản xứ. Tôi cũng ủng hộ trẻ em học sớm ngoại ngữ nhưng phải có cha hoặc mẹ đồng hành cùng con".
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.