Được đánh giá là "thần đồng" vì tư duy vượt trội, nhưng thay vì có một cuộc sống hơn người, độc giả Heri lại mắc kẹt trong chính sự ca tụng của những người xung quanh:
"Lúc còn nhỏ thầy cô hay gọi tôi là "thần đồng" bởi tôi có tư duy vượt trội về Toán học, Vật lý. Hiện, tôi khá thành công trong lĩnh vực công nghệ. Nói đến đây để thấy tôi cũng có chút thành tựu để có đủ tư cách đưa ra ý kiến.
Bên cạnh những thành công nhất định, tôi cũng bị trầm cảm vì luôn thấy mình cô đơn. Ngoài các mối quan hệ công việc, tôi không hề có những mối quan hệ bạn bè thuần tuý. Trong thâm tâm, tôi thấy mình quá logic và tư duy mọi thứ như một cái máy được lập trình. Nhiều khi, nghĩ lại về tuổi thơ, tôi ước mình được chơi nhiều hơn, có nhiều bạn bè hơn, để có thể tận hưởng một tuổi thơ thật sự trọn vẹn.
Lúc nhỏ, tôi là một "mọt sách" điển hình, không thích tụ tập với các bạn vì luôn nghĩ điều đó làm lãng phí thời gian. Tôi thích đắm chìm trong các bài toán. Tôi cũng bị mất ngủ từ nhỏ vì cứ nhắm mắt là lại nghĩ về các bài toán mà mình chưa thể tìm ra lời giải.
Lớn lên, tôi nhận ra thế giới không phải là một phần mềm, không chỉ có các con số "0" và "1". Tất cả đều có sự tương đối, trong khi tôi lại tư duy quá logic. Theo nghiên cứu dài nhất thế giới của Đại học Harvard, cuộc sống tốt đẹp được xây dựng bằng những mối quan hệ tốt đẹp. Các bạn biết đấy, kỹ sư, bác sĩ, nhà khoa học... thật ra cũng chỉ là công cụ. Mục đích mà con người muốn hướng đến sau cùng vẫn là sự thoả mãn về tâm hồn, niềm vui của các trải nghiệm, hội hoạ, âm nhạc...
Tôi khuyến khích các bậc cha mẹ cho con mình trải nghiệm thật nhiều ngành nghề đa dạng để các cháu có thể nhận ra bản thân thích gì và muốn đi theo hướng nào. Việc học ở một ngôi trường chuyên biệt dành riêng cho những trẻ có trí thông minh vượt trội thật ra không có lợi bằng việc cho các con trải nghiệm thực tế. Và điều quan trọng nhất, các bạn nhất định phải khuyến khích con em mình có thật nhiều bạn bè và các mối quan hệ xã hội thay vì cứ sống khép kín với những mớ kiến thức mỗi ngày".
>> Tại sao phải học khi 'nhiều người giỏi vẫn thất nghiệp'?
Có cùng nỗi tiếc nuối khi đánh mất tuổi thơ đúng nghĩa vì bị coi là "thần đồng", bạn đọc Bienbiecchieunay93 chia sẻ: "Tôi cũng từng là một cô bé biết đọc từ năm lên ba tuổi. Bố mẹ tôi không hề dạy chữ cho tôi, mà bản thân chỉ đứng nghe chị học bài rồi nhớ tất cả. Lúc đi mẫu giáo, giờ kể chuyện, cô giáo cho tôi cầm sách truyện đọc cho các bạn trong lớp. Lên lớp trên, tôi cũng tự học là chính, không đi học thêm bao giờ. Giờ đây, tôi đã học xong Đại học và đi làm được 5 năm. Nhưng mỗi khi nhớ về tuổi thơ, tôi lại thấy hối tiếc, vì không được vui chơi nhiều như bạn bè đồng trang lứa. Giá như tôi được vui chơi, có thể tôi sẽ cảm nhận được niềm vui thời thơ ấu".
Không có được thành công dù xuất phát điểm nổi trội hơn bạn bè đồng trang lứa, độc giả Phong Ba nhấn mạnh sai lầm của nhiều bậc phụ huynh khi thần thánh hóa khả năng của con mình: "Năm ba tuổi, tôi đã được đánh giá là thông minh ba đời. Từ bé, tôi không đi học mẫu giáo, vậy mà lên lớp một vẫn là học sinh giỏi nhất. Học lớp ba, tôi đã giúp mẹ chấm điểm bài kiểm tra Toán cho các anh chị cấp hai - học sinh của mẹ. Lên lớp sáu, trong dịp 20/11, bài thơ của tôi được chấm giải nhất các trường.
Trí nhớ của tôi thời trẻ cũng có tiếng. Tôi từng tính nhẩm hóa đơn nhanh hơn các bạn kế toán thu ngân. Và giờ, tôi vẫn chỉ là kẻ lao động chân tay. Tôi cũng từng ở với những cháu hai tuổi đọc vanh vách số má, tiếng Anh chẳng khác gì những MC trên tivi... Thế nên theo tôi, các bậc cha mẹ nên từ từ khích lệ nhẹ nhàng cho con em phát huy . Đừng thần thánh hóa khả năng của con để rồi phải hối hận".
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.