Cùng một phương pháp giáo dục con cái nhưng người thì thành công, kẻ thì thất bại. Người thành công thì hết lòng ca ngợi, người thất bại thì quay lưng nói xấu. Tại sao? Tất cả là do mức độ nhận thức và quyết tâm thực hành của mỗi người. Ai cũng có "chìa khóa" nhưng không phải ai cũng có thể mở "ổ khóa".
Cũng giống như uống thuốc vậy, cùng một căn bệnh, cùng một phương pháp chữa trị, cùng một phương thuốc, cùng một vị bác sĩ chỉ định nhưng hai bệnh nhân lại có hai kết quả khác nhau. Lý do bước đâu có thể dự đoán là do việc tuân thủ quy trình điều trị của hai bệnh nhân khác nhau. Người chăm chỉ, nghiêm túc chấp hành thời gian uống thuốc, liều lượng, kiêng kỵ..., còn người kia lại không tuân thủ đúng quy trình vì công việc bận rộn, ham rượu bia... dẫn tới kết quả khác nhau.
1. Tri thức của ai?
Tôi khẳng định rằng tri thức là của nhân loại, không hề phân biệt biên giới, lãnh thổ, dân tộc, cá nhân, tôn giáo, quan điểm chính trị... Do đó, không thể tự động gắn mác "Tây hay ta, sính ngoại hay sính nội...". Nó có thể mang màu sắc của chỉ dẫn lãnh thổ địa lý, dân tộc, cá nhân, tôn giáo... của người, nhóm người đã phát minh, sáng tạo ra nội dung tri thức. Nhưng bản chất và thành quả của nền văn minh, tri thức là thuộc về toàn bộ nhân loại. Trong đó, có các phương pháp giáo dục con cái, dù có được gắn mác chỉ dẫn địa lý nhưng bản chất vẫn là tri thức mang tính đại chúng của nhân loại. Khi không ai có thể chỉ ra rằng "ai", điều luật nào quy định một giá trị tri thức nào đó chỉ riêng của ai đó... thì bản chất tri thức vẫn là của toàn nhân loại.
2. Bản sắc dân tộc
Bản sắc văn hóa hay bản thể văn hóa là bản thể hay cảm giác thuộc về một nhóm nào đó. Nó là một phần của khái niệm về bản thân và nhận thức về bản thân của một người, và có liên quan đến quốc tịch, sắc tộc, tôn giáo, giai cấp xã hội, thế hệ, địa phương hay bất cứ loại nhóm xã hội nào có văn hóa riêng biệt. Bản sắc văn hóa đặc trưng cho cả cá nhân và nhóm đồng nhất về văn hóa với các thành viên có chung bản sắc văn hóa. Một cá nhân, nhóm người có thể thuộc về hai hay nhiều nhóm mang màu sắc văn hóa khác nhau (đa văn hóa). Ví dụ, trong các gia đình đa văn hóa như Việt- Hàn, Nhật - Việt... thì cá nhân trong đó phải mang cả hai chỉ dẫn về vốn văn hóa thuộc hai dân tộc khác nhau.
Trong bản sắc văn hóa chỉ ra rằng chúng ta cho phép, hay tự ám thị rằng bản thân thuộc về một nhóm nào đó chứ không hề bảo rằng bạn phải làm một tập hợp công việc gì đó mới được là người nào đó, càng không tồn tại quy tắc phải "bài ngoại".
Thậm chí, có nhiều cá nhân sinh ra và lớn lên trong môi trường thấm đượm văn hóa của một quốc gia xa lạ và tự cho phép bản thân, cảm giác bản thân thuộc về nền văn hóa đó thay vì chọn chỉ dẫn địa lý nơi sinh ra mình. Ví dụ, nhiều người Trung Quốc nhưng tự nhận mình là người Do Thái, gia nhập Do Thái, hay người nhập cư sang Mỹ trở thành người Mỹ...
>> Bắt chước dạy con theo phương Tây
3. Bài ngoại
Bài ngoại là sợ hãi hoặc không tin tưởng những người thuộc chủng tộc, sắc tộc, dân tộc khác với mình. Bài ngoại có thể biểu hiện nhiều cách qua mối quan hệ và nhận thức đối với các nhóm dân tộc khác, bao gồm lo sợ bị mất danh tính, nghi ngờ những người khác chủng tộc, xâm lược, hoặc thậm chí là loại bỏ nó để đảm bảo một sự thuần túy giả tưởng. Bài ngoại cũng có thể biểu hiện qua việc cho rằng "nền văn hóa của một dân tộc nào đó không văn minh", trong đó nó được cho là "không thực tế, rập khuôn và kỳ lạ".
Vậy tư tưởng bài ngoại là tư tưởng không tin tưởng, tư tưởng hoài nghi người ngoài (khác bản sắc dân tộc với mình). Lúc này cần phải thêm một điều là sau bao nhiêu số liệu, thống kê khoa học, thành quả có thể quan sát... bạn vẫn tiếp tục "không tin tưởng, hoài nghi..." liệu cảm giác của bạn có đúng không? Bạn có thể là người "bị điếc, bị mù" trong khi hai mắt còn sáng nếu "cố chấp quá" để tự giữ quan điểm của mình bất chất "bằng chứng".
4. Hậu quả của việc bảo thủ
- Một xã hội lạc hậu, có tính nguyên thủy cao.
- Các công cụ sản xuất lạc hậu, phương tiện di chuyển kém hiệu quả, không có tri thức, triết học...
- Mô hình, tư tưởng tổ chức xã hội rất "nguyên thủy" tập trung theo kiểu "thần quyền" hóa, tập trung quyền lực vào một vài đối tượng quyền lực tuyệt đối.
- Các tư liệu sản xuất không được khai thác phục vụ mục đích cộng đồng mà chỉ phục vụ một vài cá nhân quyền lực tối thượng...
Do đó, theo tôi, giáo dục con cái, cùng một phương pháp, nhưng cách thức cam kết, mức độ thực hiện, sự bền bỉ... khác nhau dẫn tới kết quả khác nhau. Nhưng dù gì thì bệnh nhân vẫn đã đến gặp bác sĩ khi bị bệnh, cũng giống như bạn có con và ý thức rằng bạn cần một phương pháp giáo dục, vẫn hơn việc bệnh nhân có bệnh không đi khám, có con không dạy dỗ. Bởi vậy, việc dạy con theo kiểu phương Tây trong điều kiện xã hội ở ta cũng chẳng có gì sai.
>> Bạn dạy con theo kiểu truyền thống hay hiện đại? Chia sẻ tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.