20 năm trước, khi còn là một sinh viên y khoa, Michelle Monje đã chứng kiến bệnh nhân đầu tiên bị u thần kinh đệm cầu não lan tỏa (DIPG), một căn bệnh ung thư ở trẻ em gần như gây tử vong chỉ trong vòng một năm. Monje quyết định nghiên cứu sâu hơn về căn bệnh này.
"Tôi không thể ngó lơ được", bà nói khi được một giảng viên cao cấp khuyên nên từ bỏ. "Họ lo ngại sẽ có quá ít người quan tâm đến căn bệnh này, tôi sẽ phải vật lộn để hoàn thành bất cứ dự án nào", bà nhớ lại.
Đó là hiện trạng nghiên cứu ung thư ở thời kỳ đầu những năm 2000. Tuy nhiên, lĩnh vực này đã có những chuyển biến đáng kể trong hai thập kỷ qua. Ngày nay, được trang bị lượng dữ liệu lớn từ các tiến bộ công nghệ, các nhà khoa học đang từng bước khám phá ra các chiến lược mới điều trị ung thư ở trẻ em.
Các phương pháp tiêu biểu là điều khiển tế bào của hệ thống miễn dịch, protein và các phân tử khác để thiết kế liệu pháp nhắm mục tiêu chính xác, ít độc hại hơn so với hóa trị thông thường.
Điều trị ung thư ở trẻ em "là câu chuyện khác hẳn"
Dù hiếm gặp, ung thư vẫn là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em. Năm 2021, Viện Ung thư Quốc gia (NCI) đã dự đoán 10.500 ca mắc ung thư mới ở trẻ sơ sinh đến 14 tuổi, với 1.190 trường hợp tử vong.
Các chuyên gia cho biết ung thư ở trẻ em là loại bệnh duy nhất không thể điều trị được như người lớn.
"Cơ thể trẻ em khác hẳn. Người trưởng thành có nhiều đột biến tế bào, xuất hiện dần dần. Đây là lý do vì sao hầu hết người mắc ung thư đều đã lớn tuổi. Ung thư ở trẻ em giống như một công tắc. Các em phát bệnh đột ngột, và việc tắt công tắc đó rất khó vì các tế bào ung thư không giống nhau về mặt phân tử", Crystal Mackall, giáo sư nhi khoa tại Đại học Stanford, giải thích.
Liệu pháp hóa trị có thể chống lại các loại ung thư máu ở trẻ em, chẳng hạn bệnh bạch cầu lymphocytic cấp tính (ALL). Tuy nhiên, chúng kém hiệu quả với các khối u rắn. Hơn nữa, hóa trị và xạ trị có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe các em sau này, chúng có tạo ra các bệnh ung thư mới, vấn đề về tim phổi.
"Chúng ta thường không lo lắng về tác dụng phụ (sau điều trị ung thư) ở những người 70 hoặc 80 tuổi, nhưng trẻ em là câu chuyện hoàn toàn khác. Chữa trị ung thư cho một đứa trẻ ba tuổi không phải chỉ là kéo dài sự sống vài tháng, mà là cả đời", Douglas Hawkins, giáo sư huyết học ung thư tại Bệnh viện Nhi đồng Seattle, cho biết.
Liệu pháp miễn dịch dựa trên tế bào
Tiến sĩ Michelle Monje, hiện là nhà nghiên cứu ung thư thần kinh nhi khoa, bác sĩ tại Đại học Stanford, đã cùng đồng nghiệp phát triển một liệu pháp miễn dịch có tên gọi CAR (thụ thể kháng nguyên chimeric) để điều trị khối u thần kinh đệm cầu não lan tỏa. Kết quả ban đầu rất đáng khích lệ.
Kỹ thuật CAR giúp loại bỏ tế bào T ở bệnh nhân, điều chỉnh chúng trong phòng thí nghiệm để nhận ra các dấu hiệu của tế bào ung thư, sau đó truyền lại cơ thể bệnh nhân.
Các tế bào đã thay đổi chứa protein CAR, không có trong tự nhiên. Protein CAR liên kết với khối u và kích thích các tế bào T, sau đó quay lại tấn công và tiêu diệt ung thư.
Dù liệu pháp chưa thể điều trị hoàn toàn ung thư, Monje và đồng nghiệp rất phấn khích trước tác động của tế bào T lên khối u. Nhóm nghiên cứu có kế hoạch điều chỉnh nhiều hơn nữa để nâng cao hiệu quả.
"Các tế bào CAR T này rất đặc biệt. Chúng chỉ tấn công khối u. Chúng tôi nhận thấy các triệu chứng của bệnh nhân cải thiện rất nhiều trong vòng vài tuần. Có nhiều trẻ đã chuyển từ dùng xe lăn sang đi lại được trong hai tuần. Dù bệnh ung thư vẫn quay trở lại, ba trong số 4 trẻ đầu tiên của thử nghiệm có phản ứng tuyệt vời", bà Monje nói.
Liệu pháp CAR T đã được phê duyệt điều trị một số bệnh ung thư máu ở người lớn và trẻ em, nhưng không dùng cho các khối u rắn. Nguyên nhân là các tế bào CAR T dễ tiếp cận các tế bào ác tính trong bệnh ung thư máu hơn.
Các liệu pháp nhắm mục tiêu
Andrew Kung, một bác sĩ chuyên khoa ung thư nhi, chủ nhiệm khoa nhi tại Trung tâm Ung thư Memorial Sloan Kettering ở New York, cho biết các liệu pháp nhắm mục tiêu như CAR T mở ra "cuộc cách mạng" trong điều trị ung thư ở trẻ em.
Ông cho rằng các liệu pháp dựa trên kháng thể rất hứa hẹn, bên cạnh các loại thuốc kháng thể và kháng thể "đặc hiệu sinh học".
Các nhà khoa học cũng thử nghiệm tổ hợp kháng thể đơn dòng - các protein được tạo ra trong phòng thí nghiệm, bám vào các mục tiêu nhất định, chẳng hạn kháng nguyên (chất lạ trong cơ thể) trên tế bào ung thư. Các kháng thể giải phóng thuốc, tiêu diệt các tế bào ung thư mà không gây hại cho các tế bào khác. Các kháng thể "đặc hiệu sinh học" chứa hai nhánh, một nhánh liên kết với tế bào ung thư, nhánh còn lại liên kết với tế bào T, hỗ trợ chúng chống lại bệnh ung thư.
Vẫn còn chặng đường dài
Các chuyên gia ung thư nhi khoa hoan nghênh những tiến bộ trong thời gian gần đây, đồng thời cho rằng giới khoa học cần tiếp tục triển khai với tốc độ đó.
Paul Sondel, giáo sư ung thư nhi khoa tại Đại học Reed và Carolee Walker cho biết: "Thay đổi trong những năm trở lại đây đã thúc đẩy các phương pháp giúp cải thiện việc chăm sóc và kết quả sức khỏe ở các trẻ mắc những loại ung thư có thể chữa trị. Dù có tiến bộ mới, chúng tôi biết rằng vẫn còn chặng đường dài phía trước trong quá trình chữa khỏi ung thư cho tất cả trẻ em".
Dinah Singer, điều tra viên cấp cao của Viện Ung thự Quốc gia, đồng ý với quan điểm này, song cô khẳng định nỗ lực của các nhà khoa học với lĩnh vực ung thư trẻ em không bao giờ dao động. Dù vậy, các thách thức đã lớn hơn trước đây.
"Chúng tôi vẫn luôn quan tâm đến điều trị ung thư ở trẻ em. Điều thay đổi là những hiểu biết của chúng tôi về điểm khác biệt giữa ung thư ở trẻ em và người lớn. Điều này mở ra các cơ hội nghiên cứu mới", bà nói.
Thục Linh (Theo Washington Post)