ThS.BS Phạm Đỗ Anh Thư - Bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết: rối loạn mỡ máu cũng là nguồn gốc của các bệnh lý nguy hiểm như cơn đau thắt ngực không ổn định, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não, cơn thoáng thiếu máu não, bệnh động mạch ngoại biên chi dưới gây đau cách hồi hoặc thiếu máu nuôi dẫn đến hoại tử chi, tăng huyết áp, gan nhiễm mỡ, sỏi mật,...
Rối loạn mỡ máu có thể dẫn đến nhiều biến chứng và các bệnh lý nguy hiểm khác như sau:
Hình thành mảng xơ vữa
Chất béo (lipid) không tan được trong nước, nên lipid muốn di chuyển trong máu phải được lipoprotein vận chuyển từ máu đến các mô để sử dụng cho năng lượng, sản xuất hormone steroid và tạo acid mật. Đồng thời chất béo cũng là thành phần của màng tế bào trong cơ thể.
Khi LDL-cholesterol (cholesterol xấu) chuyển hóa không hết và bị dư thừa trong máu sẽ di chuyển và chui vào lớp dưới nội mạc. Tại đây, các đại thực bào (chuyển dạng từ các bạch cầu đơn nhân trong dòng máu) sẽ đến và "ăn" các LDL-C và trở thành các tế bào bọt tích đầy mỡ. Theo thời gian, khi các tế bào bọt này quá tải sẽ bị vỡ ra, cholesterol bị phóng thích ra ngoài, lắng đọng ở bề mặt nội mô và lớp cơ trơn của thành động mạch, tạo thành các mảng xơ vữa.
Ngoài ra, rối loạn mỡ máu cũng gây tổn thương các tế bào nội mạc, làm tăng nguy cơ lắng đọng cholesterol và hình thành mảng vữa xơ trong lòng mạch.

Mảng xơ vữa là tiền đề của tăng huyết áp và các bệnh tim mạch. Ảnh: Shutterstock
Tăng huyết áp
Khi các mảng xơ vữa hình thành sẽ khiến lòng mạch hẹp lại, thành mạch kém đàn hồi làm tăng sức đề kháng lên lòng mạch máu. Để cung cấp đầy đủ nhu cầu máu, cơ thể có những đáp ứng như tăng nhịp tim, tăng sức co bóp cơ tim, tăng hấp thu giữ nước trong cơ thể... dẫn đến cao huyết áp.
Bên cạnh đó, rối loạn mỡ máu còn làm tăng độ nhớt của máu. Đây cũng là một yếu tố góp phần làm cao huyết áp. Bản thân cao huyết áp lại làm tổn thương nội mô mạch máu, các LDL-C dư thừa trong máu bị oxy hóa dễ dàng xâm nhập và làm nặng hơn tình trạng xơ vữa. Cao huyết áp dễ dẫn đến các bệnh lý tim mạch nguy hiểm, suy thận, tổn thương động mạch mắt gây mù lòa, tai biến mạch máu não...
Thiếu máu cục bộ
Mảng xơ vữa làm lòng mạch hẹp lại, khiến lưu lượng máu đi nuôi các cơ quan quan trọng của cơ thể bị suy giảm. Mảng xơ vữa hình thành ở động mạch nuôi cơ quan nào sẽ gây thiếu máu cho cơ quan đó, ví dụ thiếu máu cơ tim, thiếu máu não, thiếu máu ở thận...
Nhồi máu
Quá trình nhồi máu có thể xảy ra theo 2 trường hợp: Các mảng xơ vữa tiếp tục dày lên theo thời gian và dần dần gây tắc mạch. Trong nhiều trường hợp, mảng xơ vữa có thể không phát triển từ từ mà có thể bị nứt, vỡ ra đột ngột và bắt đầu quá trình kết tập tiểu cầu, hình thành cục máu đông. Các cục máu đông có thể hình thành ngay tại mảng xơ vữa bị nứt ra hoặc trôi theo dòng máu tới một động mạch nhỏ hơn, gây tắc đột ngột động mạch, gây nhồi máu.
Quá trình tắc mạch xảy ra ở động mạch vành sẽ gây nhồi máu cơ tim, ở động mạch não sẽ gây nhồi máu não (nhũn não).
Xuất huyết
Tăng huyết áp, xơ vữa động mạch, các cục máu đông... sẽ làm tổn thương hoặc phình giãn thành mạch máu, có thể gây vỡ mạch, dẫn đến xuất huyết.
Gan nhiễm mỡ
Lượng cholesterol trong máu vượt quá mức cần thiết sẽ khiến gan không xử lý hết, gây mỡ hóa tế bào gan. Khi sự tích luỹ của chất béo trong gan vượt quá 5% trọng lượng của gan sẽ dẫn đến gan nhiễm mỡ.
Sỏi mật
Khi cholesterol trong cơ thể gia tăng, nồng độ của chúng trong mật cao, nồng độ muối mật thấp, cộng thêm sự ứ đọng dịch mật, cholesterol sẽ bị kết tủa trong dịch mật hình thành sỏi mật.
Ngoài ra, rối loạn mỡ máu còn khiến một số bệnh lý mạn tính tiến triển nhanh hơn và gây biến chứng nặng nề hơn, điển hình như tiểu đường, béo phì.
Cách kiểm soát và phòng ngừa mỡ trong máu
Thực hiện chế độ ăn uống khoa học
Theo bác sĩ Phạm Đỗ Anh Thư, bất cứ ai cũng nên tuân thủ theo chế độ "sáng đầy đủ, trưa vừa đủ, tối hạn chế". Đặc biệt, mỗi người cần giảm chất béo bão hòa có nhiều trong thịt đỏ, da động vật hay da gia cầm và nội tạng động vật bằng chất béo không bão hòa đơn hoặc đa thường có nhiều trong cá, thịt trắng (gà, vịt,...).
Ngoài ra, bác sĩ Thư nhấn mạnh nên ăn cá thường xuyên, ăn thịt trắng 1 lần mỗi tuần và ăn thịt đỏ 1 lần mỗi tháng. Đồng thời, nên tránh thức ăn có chất béo dạng trans (một loại chất béo xấu gây tăng LDL-C và giảm HDL-C), có nhiều trong thực phẩm chế biến sẵn, thức ăn nhanh, thức ăn chiên rán. Quan trọng nhất là hạn chế lượng tinh bột trong các bữa ăn để giúp làm giảm triglycerides máu.
Với tinh bột, bác sĩ Thư khuyên nên sử dụng tinh bột nguyên cám như gạo lứt, ngũ cốc nguyên hạt, bánh mì đen hoặc nâu thay cho bánh mì trắng,...Sử dụng acid béo omega-3 EPA (icosapent ethyl) giúp làm giảm triglycerides máu. Mặt khác, tăng cường rau xanh, trái cây và đặc biệt là những thực phẩm giàu chất xơ trong khẩu phần ăn. Sử dụng sữa hoặc các sản phẩm từ sữa ít béo.

Ăn nhiều thực phẩm giàu chất xơ như yến mạch, táo, chuối, dâu tây, rau xanh... đóng vai trò quan trọng giúp điều hòa mỡ máu. Ảnh: Shutterstock.
Bỏ thuốc lá
Trong thuốc lá có 142 "sát thủ không dao", đe dọa tính mạng con người. Trong đó, nguy hiểm nhất có thể kể đến là nicotin, chất "gây rối" làm mất cân bằng chuyển hóa, khiến mỡ trong máu tăng lên. Nghiên cứu tại New Orleans chứng minh, chỉ cần hút 3-4 điếu thuốc mỗi ngày là có thể làm giảm HDL-C (cholesterol tốt) và tăng tỷ lệ cholesterol "xấu".
Không lạm dụng rượu, bia
Bác sĩ Phạm Đỗ Anh Thư cho biết, rượu và bia có thể làm rối loạn chuyển hóa chất mỡ trong cơ thể và gây ra tình trạng gan nhiễm mỡ. Ngoài ra, chúng còn tác động làm tim đập nhanh, mạch máu co lại, huyết áp tăng và làm cho muối canxi đọng lại ở thành mạch, gây xơ cứng động mạch.
Tránh áp lực, căng thẳng
Người thường xuyên căng thẳng, buồn rầu trong cuộc sống có nguy cơ rối loạn chất béo cao hơn người có tâm lý thoải mái, lạc quan, vui vẻ. Căng thẳng thường xuyên gây nên sự rối loạn chuyển hóa của các lipoprotein, làm tăng tỷ lệ cholesterol toàn phần, LDL-C và triglyceride, đồng thời giảm tỷ lệ HDL - cholesterol tốt cho cơ thể.
Tăng cường vận động
Vận động thường xuyên có tác dụng rất tốt trong việc tiêu hao mỡ máu. Nên tập thể dục ít nhất 30 phút/ngày và ít nhất 5 ngày/tuần.
Sử dụng thuốc điều trị theo chỉ định
Bác sĩ Phạm Đỗ Anh Thư thông tin thêm, bệnh nhân rối loạn mỡ máu nặng và bệnh nhân có nhiều yếu tố nguy cơ bệnh tim mạch có thể được chỉ định một số thuốc điều trị để đưa các chỉ số cholesterol, triglyceride về ngưỡng bình thường.
Nhóm statin giữ vai trò chính trong điều trị giảm cholesterol xấu (LDL -C), ngoài ra còn có các thuốc như giảm hấp thu cholesterol (ezetimibe), ức chế PCSK9, ức chế hấp thu acid mật,...
Fibrat và acid béo omega-3 EPA (icosapent ethyl) giúp giảm triglycerides máu.
Lưu ý, các loại thuốc trên chỉ sử dụng khi có chỉ định từ bác sĩ, tuyệt đối không tự ý dùng hay thay đổi liều. Trong quá trình sử dụng, bệnh nhân có thể gặp một số tác dụng phụ như rối loạn chức năng gan, tăng men gan, rối loạn tiêu hóa, đau khớp, yếu cơ... tuy nhiên những phản ứng phụ này rất hiếm xảy ra.

Bác sĩ Phạm Đỗ Anh Thư đang tiến hành thăm khám cho bệnh nhân rối loạn mỡ máu. Ảnh: Bảo Ngọc.
Trong trường hợp rối loạn mỡ máu nhẹ, bác sĩ Thư khuyến cáo bệnh nhân có thể chưa có chỉ định dùng các loại thuốc trên mà cần thực hiện thay đổi lối sống, sinh hoạt kết hợp với chế độ dinh dưỡng phù hợp để đưa lượng mỡ máu về mức bình thường. Ngoài ra, mỗi người cần kiểm tra sức khỏe định kỳ để được chỉ định xét nghiệm mỡ máu. Khi mỡ máu cao, người bệnh cần tuân thủ điều trị theo chỉ định và tư vấn của bác sĩ.
Bông Huỳnh