Theo ThS.BS.CKII Trần Thị Thúy Hằng, Trưởng khoa Khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, ho là một phản xạ tự nhiên của cơ thể giúp loại bỏ các chất gây kích ứng ra khỏi đường hô hấp. Đây cũng là cách để cơ thể tự bảo vệ và chữa lành. Tuy nhiên, các trường hợp ho kéo dài có thể là triệu chứng của những bệnh lý tiềm ẩn mà người bệnh không nên chủ quan.
Viêm xoang
Nguyên nhân gây ho chủ yếu là do phản ứng của việc tăng tiết chất nhầy và chảy dịch mũi sau. Bệnh đặc trưng bởi tình trạng viêm niêm mạc của các xoang cạnh mũi, thường có nguyên nhân từ virus nếu bệnh kéo dài dưới 7-10 ngày, nhưng có thể liên quan đến nhiễm vi khuẩn nếu bệnh kéo dài hơn 10 ngày. Các vi khuẩn dễ phát triển khi nhiễm trùng xoang tái phát nhiều lần như tụ cầu và các vi khuẩn gram âm khác.
Viêm mũi dị ứng
Đây là tình trạng viêm niêm mạc mũi thứ phát do dị ứng với các tác nhân từ môi trường như bụi khói, hóa chất, phấn hoa... Sự kích ứng này dẫn đến tăng tiết chất nhầy và chảy nước mũi sau làm kích thích đường thở gây ra phản ứng ho.
Ho gà
Bệnh có triệu chứng lâm sàng đặc trưng bởi những cơn ho dữ dội kịch phát kéo dài vài phút, sau đó, người bệnh phát ra tiếng thở hổn hển. Đây là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp do vi khuẩn Bordetella pertussis dẫn đến hình thành chất nhầy trong đường hô hấp.
Quá trình nhiễm trùng ho gà kéo dài đến 6 tuần và được đặc trưng bởi 3 giai đoạn bao gồm: khởi phát (với triệu chứng buồn nôn, hắt hơi, sốt nhẹ, chảy nước mắt và nghẹt mũi); kịch phát (xảy ra trong vòng 2 tuần, triệu chứng ho đặc trưng, sau đó nôn mửa); và giai đoạn hồi phục.
Hen suyễn
Đây là một bệnh phức tạp, trong đó, hệ thống miễn dịch của cơ thể phản ứng mạnh với tác nhân kích thích từ môi trường, dẫn đến viêm, tăng tiết chất nhầy, niêm mạc phù nề, làm hẹp và tắc nghẽn đường thở.
Hen phế quản
Bệnh hen phế quản biểu hiện chủ yếu bằng cơn ho, không phải thở khò khè như trong bệnh hen suyễn điển hình. Các triệu chứng thường gặp là ho không có đờm lặp đi lặp lại cả ngày lẫn đêm và trầm trọng hơn khi vận động, trời lạnh hoặc nhiễm trùng đường hô hấp trên.

Ho kéo dài cảnh báo các bệnh về đường hô hấp. Ảnh: Freepik
Lao phổi
Bệnh lao phổi thường có biểu hiện sốt và ho có đờm hoặc ho khan kèm theo sụt cân. Tình trạng nặng có thể ho ra máu.
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD)
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là tình trạng phổi bị mất tính đàn hồi và gặp các vấn đề về lưu thông khí, dẫn đến sự phát triển các bệnh nhiễm trùng như viêm phế quản cấp tính và viêm phổi do vi khuẩn. Khi đợt cấp xảy ra, nhu mô phổi bị viêm và tăng phản ứng dẫn đến co thắt đường thở, làm suy giảm chức năng của phổi. Điều này gây ra sự tích tụ các chất tiết nhầy có mủ và đặc trong tiểu phế quản và phế nang dẫn đến phản ứng ho.
Ngưng thở khi ngủ
Ngưng thở khi ngủ xảy ra do sự tắc nghẽn một phần hoặc hoàn toàn đường thở tạm thời trong khi ngủ. Sự gia tăng sức cản đường thở này gây ra phản xạ co thắt cơ hoành, cơ ngực và ho để mở đường thở bị tắc nghẽn. Ngưng thở khi ngủ thường xảy ra ở những người bị tắc nghẽn đường hô hấp, có cơ vùng hầu họng yếu hoặc người béo phì.
Suy tim sung huyết
Khi tình trạng bơm máu của tim suy giảm dẫn đến tắc nghẽn mạch máu phổi gây phù nề và ho.
Viêm phổi
Viêm phổi do virus hoặc vi khuẩn đều dẫn đến viêm và kích ứng đường thở, gây ho do tăng tiết dịch nhầy mủ.
Viêm phổi hít
Bệnh viêm phổi hít xảy ra khi thanh môn không đóng kín trong khi nuốt. Điều này khiến thức ăn hoặc chất lỏng đi vào đường thở, thay vì thực quản dẫn đến viêm phổi hít.
Thuyên tắc phổi
Khi huyết khối hình thành và đọng lại trong các mao mạch phổi sẽ dẫn đến thuyên tắc phổi. Thuyên tắc phổi gây ra phản ứng ho dai dẳng.
Trào ngược dạ dày thực quản
Bệnh trào ngược dạ dày thực quản là nguyên nhân gây ho mạn tính phổ biến. Quá trình đẩy dịch axit từ dạ dày lên họng và thanh quản kích thích các thụ thể của thanh quản dẫn đến phản ứng ho. Tình trạng ho thường nặng hơn vào ban đêm do tư thế nằm của người bệnh khiến axit dạ dày dễ trào lên thực quản gây kích thích niêm mạc họng.
Viêm phế quản mạn tính
Viêm phế quản mạn tính gây ho kéo dài do chất nhầy tiết ra quá nhiều làm bít tắc đường thở. Ho sau nhiễm trùng xảy ra do tăng độ nhạy cảm của thụ thể ho và tăng phản ứng tạm thời của phế quản trong quá trình hồi phục sau nhiễm trùng phổi nặng.
Một số bệnh ung thư
Các bệnh ác tính có thể gây ra hàng loạt hiệu ứng như tắc nghẽn hoặc suy yếu đường thở, dẫn đến tích tụ chất nhầy, nhiễm trùng thứ cấp và kích thích ho.
Bệnh phổi kẽ
Bệnh phổi kẽ thuộc các rối loạn gây ra sẹo và xơ cứng mô phổi tiến triển do tiếp xúc lâu dài với các nhân tố nguy hiểm khác nhau, chẳng hạn như amiăng, silicone, bụi than, bức xạ hoặc kim loại nặng. Công nhân nhà máy điện hạt nhân, khai thác than, phun cát hoặc những người làm các công việc tương tự có nguy cơ mắc bệnh phổi kẽ dẫn đến ho mạn tính.
Một số loại bệnh tự miễn bao gồm viêm khớp dạng thấp, xơ cứng bì, viêm đa cơ, hội chứng sjogren và bệnh sarcoidosis có thể gây bệnh phổi kẽ.
Ho thường là tình trạng lành tính nhưng có nhiều nguyên nhân gây ho và không loại trừ khả năng do khối u ác tính hoặc nhiễm trùng nghiêm trọng. Do đó, bác sĩ Thúy Hằng khuyên, nếu ho dai dẳng, nhất là ho kèm các triệu chứng thở khò khè, sốt trên 38,5 độ C hoặc sốt kéo dài hơn 2-3 ngày; ớn lạnh; ho có đờm vàng, xanh hoặc lẫn máu..., người bệnh nên đến bệnh viện thăm khám và điều trị đúng cách.
Nguyên Phương