Ban đầu, những nốt mụn nhỏ xuất hiện ở vùng đầu bên trái, sau đó lan rộng, vùng da xung quanh trầy xước do bé Mai gãi liên tục. Sau vài ngày, nhọt sưng to bằng đầu ngón tay, đầu nhọt từ đỏ chuyển sang trắng, chảy mủ, đau nhiều. Người nhà bôi thuốc xanh methylen cho bé không bớt nên đưa đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM.
Ngày 1/12, tiến sĩ, bác sĩ Đặng Thị Ngọc Bích, chuyên khoa Da liễu - Thẩm mỹ da, cho biết bé bị nhọt cụm, nhiễm trùng da, 4-5 cụm nhọt lớn, mỗi cụm 3-4 nốt, đã vỡ gần tới mức áp xe.

Nhọt trên đầu bệnh nhi trước khi điều trị. Ảnh: Bệnh viện Tâm Anh
Nhọt là tình trạng viêm cấp tính ở các nang lông, tổn thương viêm lan rộng ra xung quanh. Nhọt cụm là sự kết hợp của nhiều nang lông bị nhiễm trùng, thường xảy ra trên diện tích lớn.
Nguyên nhân gây nhọt chủ yếu là vi khuẩn tụ cầu vàng và liên cầu khuẩn. Vi khuẩn thường trú trên da, bình thường không gây hại. Khi da có tổn thương, như vết trầy xước, vi khuẩn tấn công, sinh ra viêm, nhọt chứa dịch mủ và mô chết. Vùng da dễ nổi nhọt thường ở đầu, mông, mu, đùi, nách, miệng, lưng. Nhọt thường đỏ, mềm và đau, sau đó chín, tự vỡ ngòi mủ, tự lành và có thể để lại sẹo.
Bác sĩ Bích cho biết bé Mai khá hiếu động, da đầu đổ nhiều mồ hôi, vệ sinh da đầu chưa kỹ. Bé ăn nhiều bánh kẹo chứa chất ngọt cũng là nguồn năng lượng để vi trùng tồn tại và phát triển khi xâm nhập vào cơ thể.
Bé được kê thuốc kháng sinh uống và bôi. Bác sĩ hướng dẫn phụ huynh vệ sinh da đầu cho bé sạch sẽ, tránh đổ mồ hôi nhiều. Sau 5 ngày, đầu nhọt khô ráo, hết chảy mủ, bé hết đau.

Nhọt giảm sau khi điều trị kháng sinh. Ảnh: Bệnh viện Tâm Anh
Theo bác sĩ Bích, mụn nhọt là bệnh về da thường gặp ở trẻ em, dễ tái phát nhiều lần bởi sức đề kháng của trẻ còn yếu, làn da non nớt. Các yếu tố làm tăng nguy cơ nổi nhọt là vệ sinh da kém, bệnh đái tháo đường, viêm da, suy thận, suy gan, miễn dịch suy giảm, ăn uống nhiều đồ ngọt. Thời tiết nắng nóng là điều kiện thời tiết thuận lợi cho bệnh gia tăng.
Bác sĩ Bích cho biết mỗi tuần, chuyên khoa Da liễu - Thẩm mỹ Da tiếp nhận hàng chục trẻ trong tình trạng tương tự. Cao điểm là những tháng mùa hè, thời tiết nắng nóng kéo dài, lượt khám vì mụn nhọt có thể lên tới 20 ca mỗi ngày, chủ yếu là trẻ em.
Theo bác sĩ Bích, nếu không điều trị, nhọt phát triển to gây đau nhiều, nung mủ. Dịch mủ có thể thoát ra ngoài da nếu nhọt vỡ hoặc dịch mủ "ăn" luồng trong da gây ra bệnh viêm tuyến mồ hôi mưng mủ. Đây là bệnh rất khó chữa, có thể phải cắt bỏ vùng da viêm, ghép mảnh da lành khác để điều trị.
Vi khuẩn xâm nhập vào máu gây nhiễm trùng huyết, trẻ có nguy cơ nhiễm độc, sốc nhiễm khuẩn. Dấu hiệu đặc trưng của tình trạng này là sốt cao trên 39-40 độ C, sưng đau, nóng, đỏ tại vị trí nhọt. Nếu không được điều trị kịp thời, trẻ có thể bị biến chứng như điếc, viêm màng não, tử vong...
Bác sĩ lưu ý sai lầm phổ biến khi tự chữa nhọt tại nhà là tự nặn mụn mủ, mụn nhọt. Với vùng chữ T trên khuôn mặt (có nhiều mạch máu, dây thần kinh vùng sọ não), nặn mụn nhọt không đúng cách có thể gây phù, sưng mắt, méo mặt, nặng hơn là viêm tắc tĩnh mạch xoang hang não gây hôn mê, tử vong. Đắp các loại lá giã nát như trầu không, lá chuối non, diếp cá, tía tô... lên vết thương có thể khiến nhiễm trùng lan rộng hơn.
Để giảm nguy cơ nổi nhọt, phụ huynh nên vệ sinh cơ thể hàng ngày cho trẻ bằng sữa tắm kháng khuẩn; dùng riêng khăn tắm, khăn mặt; hạn chế đồ ăn nhiều đường, cay nóng và nhiều dầu mỡ. Trẻ ngứa, gãi trầy xước da cần được sát trùng vết thương kỹ. Khi trẻ mọc mụn, nhọt, dù sốt hay không sốt, phụ huynh cũng nên đưa trẻ đến cơ sở y tế khám để được điều trị hiệu quả, tránh biến chứng.
Anh Thư
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh da liễu tại đây để bác sĩ giải đáp |