Đọc loạt bài viết về chủ đề giáo dục như "Tiếng oan của tích phân, đạo hàm", "Bài toán tích phân, đạo hàm của cô bán rau", "Đánh đổi thanh xuân với tích phân, đạo hàm", tôi rất đồng tình và tâm đắc với quan điểm của các tác giả.
Nền giáo dục của nhận loại hiện nay được chia thành năm cấp học cốt lõi: mẫu giáo, Tiểu học, THCS, THPT và Đại học. Đây là quy trình giáo dục trọn vẹn để đào tạo một con người hoàn chỉnh, thành tài trên con đường học vấn. Chương trình sách giáo khoa từ lớp một đến lớp 12 là tổng hợp những kiến thức cơ bản, là nền tảng của các lĩnh vực mà học sinh phải được dạy để thích nghi và tồn tại được với cuộc sống hiện tại.
Nếu chúng ta nói những kiến thức ấy không cần thiết vì nó không đem lại nước uống, cơm ăn, tiền bạc, thì phụ huynh đâu cần làm lụng vất vả, "bán lưng cho trời, bán mặt cho đất". Điều này nhân loại đã thừa nhận, không thể nào bác bỏ.
Bản thân tôi đã được cha mẹ nuôi nấng, cho học hành đến nơi, đến chốn. Thời của tôi, nơi tôi sinh sống, không có đủ bộ sách giáo khoa để vào lớp một, ba mẹ đành gửi gắm việc học hành vào ý chí của tôi. Tôi luôn học tập và phấn đấu hết mình để đáp lại công ơn của cha mẹ. Hiện tại, tôi đang là thạc sĩ Hệ thống thông tin và Văn bằng học ngành Ngôn ngữ Anh, công tác tại một trường đại học.
Đôi khi, tôi cũng tự hỏi kiến thức phổ thông và đại học có vận dụng được gì vào công việc hiện tại cho một chuyên viên Phòng Quản lý đào tạo ở Trường Đại học? Tôi từng nghe tận tai rằng nhà tuyển dụng chê sinh viên nước ta ra trường với những tấm bằng hạng ưu, nhưng không đáp ứng nhu cầu công việc. Thực tế đó khiến tất cả chúng ta phải suy ngẫm về chất lượng giáo dục hiện giờ.
>> 'Học để quên và quên để học'
Nhìn lại kiến thức sách giáo khoa của Việt Nam, nhìn chung rất đầy đủ và hoàn chỉnh. Ai cũng công nhận, những môn Ngữ Văn, Lịch sử, Địa lý, Sinh học, Vật lý, Hóa học, Tiếng Anh, Tin học, Giáo dục công dân, Giáo dục quốc phòng, cần phải giảng dạy để sau khi học xong 12 năm kiến thức phổ thông, con em chúng ta có thể học sâu hơn ở bậc đại học. Riêng môn Toán, tôi từng nghĩ rằng chỉ cần dạy những phép tính cơ bản như cộng, trừ, nhân, chia, với bộ số học là đủ để thích nghi với cuộc sống cơm áo gạo tiền.
Đôi lúc tôi tự hỏi, nếu học công thức tính diện tích ít ra còn để tôi ứng dụng vào việc tính diện tích mảnh đất khi muốn mua nhà an cư lập nghiệp. Vậy đạo hàm và tích phân ứng dụng vào thực tế như thế nào? Học chúng để làm gì? Cho đến hôm nay, tôi mới biết rằng mình đã ứng dụng chúng vào cuộc sống bấy lâu nay mà không hề hay biết.
Nếu hiểu theo cách đơn giản, đạo hàm là giá trị hàm số tại một thời điểm trừ đi giá trị ngay trước nó, thì tính tới thời điểm này, cuộc đời tôi là một "đạo hàm học vấn" và giá trị của hàm số là kiến thức tôi đã tích lũy bao lâu nay. Đây là một đạo hàm luôn dương vì tôi đã nỗ lực phấn đấu trong thời gian dài. Đạo hàm đại học (2003-2007), đạo hàm thạc sĩ (2009-2011), đạo hàm văn bằng hai (2016-2018).
Còn nếu hiểu tích phân là tổng các giá trị của hàm số trong khoảng giá trị., thì tích phân cuộc đời tôi là bằng cấp và vị trí tôi có được qua tích lũy hàm số kiến thức. Trong khoảng thời gian 2003 đến nay, từ khi tốt nghiệp THPT, tổng giá trị trong cuộc đời tôi là một tích phân đạt giá trị hai bằng đại học, một bằng thạc sĩ và chức vụ hiện nay là trợ lý Phòng.
Vì vậy, chúng ta không nên bàn về kiến thức giáo dục nhiều hay thiếu, vì nó đã đi vào quỹ đạo, khắc sâu vào tiềm thức nhân loại. Vấn đề ở đây là phương pháp giảng dạy đã hiệu quả để học sinh biết được kiến thức, hiểu, thông thạo và vận dụng vào thực tế hay chưa? Mỗi môn học, mỗi chủ đề của môn học, khi truyền đạt lý thuyết luôn phải gắn được với thực tiễn, ứng dụng vào đời sống, để học sinh khắc sâu kiến thức đã tiếp cận. Giảng dạy phải là truyền đạt kiến thức cũ để giúp học sinh khám phá ra tri thức mới, đó mới là thành công của giáo dục.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.