Nhồi máu cơ tim cấp (đột quỵ tim) là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở mọi độ tuổi, đặc biệt là những người mắc bệnh mạch vành. Vậy đâu là những dấu hiệu giúp nhận biết sớm và "giờ vàng" để can thiệp?
ThS.BS Huỳnh Thanh Kiều - Trưởng khoa Nội Tim mạch 1, Trung tâm Tim mạch Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết, nhồi máu cơ tim cấp là tình trạng cơ tim bị thiếu máu nuôi và hoại tử do mạch vành (mạch máu nuôi cơ tim) bị tắc nghẽn đột ngột bởi cục huyết khối trong lòng mạch. Thời gian vàng để cứu cơ tim là trong giờ đầu sau khi xuất hiện cơn đau ngực. Nếu tắc nghẽn kéo dài trên 3 giờ thì cơ tim hầu như bị tổn thương khó hồi phục dù được điều trị tái thông mạch vành.
"Nguyên nhân gây ra nhồi máu cơ tim cấp là do mảng xơ vữa trong lòng mạch vành bị nứt hoặc vỡ. Các tế bào máu gồm tiểu cầu, hồng cầu đến bám vào, tạo thành cục huyết khối gây bít tắc đột ngột lòng mạch, ngưng cấp máu nuôi cơ tim phía xa, dẫn đến cơ tim bị thiếu máu nuôi. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ đưa đến hoại tử cơ tim, gây suy tim hoặc đột tử", bác sĩ Thanh Kiều giải thích.
Yếu tố nguy cơ khiến mảng xơ vữa bị nứt vỡ là hút thuốc lá; xúc động, căng thẳng quá mức; gắng sức quá mức; viêm hoặc nhiễm trùng như viêm phổi, đợt cấp bệnh phổi mạn tắc nghẽn,... sau chấn thương, phẫu thuật...
Theo bác sĩ Thanh Kiều, nhồi máu cơ tim cấp (đột quỵ tim) có khả năng xuất hiện cao hơn ở những người: cao tuổi, nam trên 50 tuổi hoặc phụ nữ sau mãn kinh; người có bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh thận mạn; rối loạn mỡ máu di truyền; hút thuốc lá hoặc tiếp xúc với khói thuốc lá.
Những người mà trong gia đình có người thân trực hệ (cha, mẹ, anh chị em ruột) bị nhồi máu cơ tim, đột quỵ não sớm trước 55 tuổi (đối với nam) và trước 65 tuổi (đối với nữ) cũng cần cảnh giác với bệnh lý này.
Bên cạnh đó, nhồi máu cơ tim cấp còn có nguy cơ xảy ra với người có bệnh lý miễn dịch như viêm khớp dạng thấp, Lupus ban đỏ hệ thống, vẩy nến, xơ cứng bì; sử dụng chất kích thích: cocaine, amphetamine làm co thắt động mạch vành.
Dấu hiệu cảnh báo
Nhồi máu cơ tim có thể xảy ra bất ngờ nhưng có những trường hợp được cảnh báo trước hàng giờ, hàng ngày, hàng tuần bằng với các dấu hiệu như:
Cơn đau ngực thường gặp trong hội chứng động mạch vành cấp: người bệnh có cảm giác đau tức, đè nặng, xoắn vặn trong lồng ngực, sau xương ức hoặc ngực trái, mức độ nặng, xảy ra khi ngồi nghỉ, kéo dài trên 15 phút, đau lan ra sau lưng, lên cổ, cằm, vai hoặc cánh tay. Trong cơn đau có kèm mệt, hồi hộp, khó thở, vã mồ hôi, hốt hoảng hoặc ngất xỉu, đau không giảm khi ngậm hay xịt thuốc nitrate.
Một số trường hợp đặc biệt như người cao tuổi, phụ nữ hoặc bệnh nhân đái tháo đường có thể không có triệu chứng đau ngực nhưng có triệu chứng tương đương là khó thở, thay đổi tri giác, ngất hoặc tụt huyết áp dưới 90/60 mmHg.
Không phải ai cũng có các triệu chứng nhồi máu cơ tim giống nhau. Một số người đau nhẹ, một số người đau nặng, một số khác xuất hiện dấu hiệu đầu tiên là ngưng tim đột ngột.
Theo bác sĩ Kiều, nếu không được sơ cứu đúng cách và can thiệp kịp thời, người bị nhồi máu cơ tim cấp có thể gặp các biến chứng nghiêm trọng như: suy tim nặng hoặc sốc tim khiến người bệnh khó thở, huyết áp thấp cần được hỗ trợ máy thở, thuốc vận mạch, dụng cụ hỗ trợ tim (bóng đối xung động mạch chủ)...; rối loạn nhịp, có thể dẫn đến đột tử; hở van 2 lá nặng do đứt dây chằng lá van.
Ngoài ra còn có một số biến chứng như: thủng cơ tim ở vách liên thất gây thông nối thất trái và thất phải; thủng vách tim ở thành tự do gây tràn máu màng tim hoặc vỡ tim.
Cách sơ cứu người bị nhồi máu cơ tim
"Khi những triệu chứng ban đầu của cơn nhồi máu cơ tim xuất hiện, các tế bào cơ tim bắt đầu bị tổn thương. Tình trạng tổn thương khó hồi phục sau 30 phút và tỷ lệ tử vong cao nhất trong vòng một giờ đầu tiên xuất hiện cơn nhồi máu cơ tim. Các phương pháp điều trị chỉ đạt hiệu quả từ 2 - 4h đầu tiên khởi phát cơn đột quỵ tim. Do đó, thời gian và việc sơ cứu ban đầu đúng cách là yếu tố then chốt tăng cơ hội sống, giảm di chứng cho người bệnh", bác sĩ Kiều nhấn mạnh.
Bác sĩ Thanh Kiều hướng dẫn một số nguyên tắc cơ bản khi sơ cứu cho người bị nhồi máu cơ tim cấp (đột quỵ tim):
Đặt bệnh nhân ngồi hoặc nằm, nới lỏng thắt lưng, quần áo để giúp máu lưu thông dễ dàng.
Gọi 115 hoặc số điện thoại khẩn cấp của bệnh viện gần nhất. Nếu không thể chờ xe cấp cứu đến, hãy chủ động thuê taxi hoặc tự mình chở bệnh nhân đến bệnh viện.
Cho bệnh nhân nhai và nuốt một viên aspirin trong khi chờ cấp cứu. Aspirin giúp ngăn ngừa tình trạng đông máu, giảm nguy cơ tổn thương tim. Không dùng aspirin nếu bệnh nhân bị dị ứng với thuốc.
Ép tim ngoài lồng ngực (Hồi sinh tim phổi - CPR), cần tiến hành càng sớm càng tốt vì cứ mỗi 1 phút chậm trễ thì người bệnh mất đi 10% cơ hội được cứu sống.
Điều trị
Bệnh nhân nhồi máu cơ tim cấp nhập viện cấp cứu cần lập tức được tái lưu thông mạch vành bị tắc nghẽn. Thuốc tiêu sợi huyết (streptokinase, rt-PA) được sử dụng khi bệnh nhân đến bệnh viện sớm và bệnh viện không có phòng thông tim; chụp mạch vành, nong đặt stent; mổ bắc cầu động mạch vành.
Chụp động mạch vành: bác sĩ dùng một ống thông nhỏ, dài, mềm được luồn từ động mạch quay hoặc động mạch đùi hướng vào tim, đi đến động mạch vành. Qua ống thông, bác sĩ sẽ bơm thuốc cản quang, ghi lại hình ảnh mạch vành. Bác sĩ sẽ đưa stent vào vị trí mạch vành bị tắc, bung stent, nong mạch máu rộng ra, giúp dòng máu lưu thông lại bình thường.
Phẫu thuật bắc cầu động mạch vành: Bác sĩ lấy một đoạn mạch máu từ bộ phận khác của cơ thể, làm cầu nối phía trước, phía sau chỗ tắc, giúp máu đi qua chỗ cầu nối mới. Phẫu thuật bắc cầu thường thực hiện khi hẹp mạch vành nặng, kéo dài lan tỏa không thể đặt stent được.
Mặt khác, bệnh nhân sau nhồi máu cơ tim cần được điều trị và chăm sóc lâu dài để tránh tái phát và biến chứng về sau. Theo bác sĩ Thanh Kiều, người bệnh cần thay đổi lối sống trong suốt quá trình điều trị như: tập thể dục đều đặn, giảm cân nếu dư cân hoặc béo phì; không hút thuốc lá, hạn chế rượu bia, nước ngọt; không nên ăn mặn, giảm ăn thịt mỡ, thức ăn đóng hộp, thức ăn nhanh, đồ ăn chiên xào; ăn nhiều trái cây, rau, củ, quả, hạt; ăn cá hoặc thịt gà thay cho thịt heo, thịt bò; tránh căng thẳng, luyện tập thư giãn; người bệnh cần uống thuốc và tái khám thường xuyên.
Các thuốc điều trị thiết yếu bác sĩ có thể chỉ định cho bệnh nhân bao gồm thuốc ức chế men chuyển hoặc chẹn thụ thể angiotensin 2, chẹn bêta, chống kết tập tiểu cầu (aspirin, clopidogrel, ticagrelor, prasugrel) và statin.
Bệnh nhân sau nhồi máu cơ tim cần uống 2 loại thuốc chống kết tập tiểu cầu tối thiểu trong vòng một năm. Sau đó, duy trì ít nhất một loại thuốc chống kết tập tiểu cầu lâu dài.
Bệnh nhân sau phẫu thuật bắc cầu hoặc đặt stent mạch vành cần uống thuốc chống kết tập tiểu cầu lâu dài để phòng ngừa huyết khối trong stent hoặc tái hẹp mạch vành. Người bệnh điều trị tích cực các bệnh đi kèm như: tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu...; đồng thời thăm khám kiểm tra sức khỏe tim mạch định kỳ để được phát hiện dấu hiệu bất thường và can thiệp kịp thời.
Lê Nguyễn