Theo Healthline (Mỹ), lông mũi hoạt động như một bộ lọc ngăn bụi, phấn hoa và các chất gây dị ứng xâm nhập vào phổi. Khi các hạt xâm nhập vào mũi, chúng sẽ bị mắc kẹt trên một lớp chất nhầy mỏng bao phủ các sợi lông. Cuối cùng, các hạt bị hắt hơi ra ngoài hoặc bị nuốt vào bụng. Mũi một người thường chứa đầy lông rất nhỏ gọi là lông mao. Những lông mao này giúp đẩy chất nhầy và các mảnh vụn khác ra khỏi phổi.
Lông mũi quá dài, khi nhìn vào sẽ tạo ra cảm giác không thoải mái, mất thẩm mỹ cho người đó. Vì vậy, nhiều người có thói quen loại bỏ lông mũi. Loại bỏ quá nhiều lông có thể khiến bạn nhạy cảm hơn với bụi bẩn, chất gây dị ứng... Nhổ lông cũng có thể dẫn đến kích ứng, nhiễm trùng và lông mọc ngược.
Lông mọc ngược
Lông mọc ngược là một biến chứng thường gặp khi tẩy lông. Nó xảy ra sau khi lông bị loại bỏ và đến khi mọc lại, lông mọc trong da và không thể trồi ra khỏi phần nang lông. Lông mọc ngược thường xảy ra ở những vùng thường xuyên bị loại bỏ lông như mặt, nách và mu. Các triệu chứng phổ biến của lông mũi mọc ngược bao gồm hình thành một vết sưng giống như mụn, kích thích gây đau và ngứa. Lông mọc ngược thường tự lành nhưng nếu trở thành một vấn đề mạn tính, bạn nên đến gặp bác sĩ.
Viêm tiền đình mũi
Viêm tiền đình mũi là tình trạng nhiễm trùng một phần của mũi. Viêm tiền đình mũi thường phát triển do nhiễm trùng tụ cầu khi vi khuẩn Staphylococcus xâm nhập vào vết thương trong mũi. Bất kỳ loại chấn thương nhỏ nào cũng có thể dẫn đến loại nhiễm trùng này. Một số nguyên nhân gây ra viêm tiền đình mũi phổ biến bao gồm ngoáy mũi, nhổ lông mũi, xì mũi quá nhiều, xỏ lỗ mũi.
Người bị viêm tiền đình mũi thường gặp các triệu chứng như đỏ bên trong và bên ngoài lỗ mũi, một vết sưng giống như mụn ở gốc lông mũi, đóng vảy xung quanh lỗ mũi do tích tụ vi khuẩn. Đau trong mũi thậm chí là bướu và nhọt trong mũi có thể làm bạn bị viêm tiền đình mũi.
Nhọt mũi
Mụn nhọt ở mũi là tình trạng nhiễm trùng sâu của nang lông trong mũi. Nhọt mũi có thể gây đau đớn, sưng tấy, đỏ thậm chí là bệnh lao mũi. Trong một số trường hợp bệnh lao mũi gây ra các biến chứng nghiêm trọng nếu nhiễm trùng di chuyển đến các mạch máu dẫn đến não.
Những biến chứng này bao gồm huyết khối xoang hang là sự hình thành cục máu đông ở phần não phía sau mắt; viêm mô tế bào là một bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn ảnh hưởng đến cả da và các mô bên dưới. Ngoài ra, viêm màng não cấp tính do vi khuẩn là tình trạng viêm mô bao phủ não và tủy sống.
Tăng nguy cơ bệnh hen suyễn do dị ứng
Lông mũi giúp chặn bụi và các chất gây dị ứng đi qua hốc mũi. Việc loại bỏ quá nhiều lông sẽ tạo điều kiện cho hạt đi qua mũi và vào phổi. Đối với một số người, điều này có thể làm tăng nguy cơ phát triển bệnh hen suyễn. Theo nghiên cứu của Đại học Hacettepe (Thổ Nhĩ Kỳ), những người có ít lông mũi có nguy cơ phát triển bệnh hen suyễn cao hơn đáng kể so với những người có nhiều lông mũi hơn.
Anh Chi (Theo Healthline)