Cách đây một năm, khi phát hiện bị ung thư phổi giai đoạn hai, anh Lê Văn Toàn (33 tuổi, Hà Nội) rất bất ngờ bởi anh còn quá trẻ. Gia đình anh không có ai mắc căn bệnh này. Cầm tờ giấy kết quả trên tay, anh nghĩ có nên cho gia đình biết chuyện không, lo lắng bố mẹ không chịu nổi cú sốc này.
"Tôi còn tương lai rộng mở phía trước, mong có gia đình nhỏ êm ấm. Sau nhiều ngày tự động viên bản thân, tôi vực dậy tinh thần cố gắng điều trị", anh Toàn trải lòng.
Gần giống với anh Toàn, anh Nguyễn Hoàng Duy (27 tuổi, Nam Định) được bác sĩ chẩn đoán mắc ung thư khi còn chưa đến 30 tuổi. Căn bệnh ung thư gan di căn phổi khiến anh chán ăn, khó thở, bụng chướng, đau bụng, vàng da... Trước khi phát hiện bệnh, anh có dấu hiệu sụt cân, mệt mỏi, chán ăn... nhưng chỉ nghĩ do công việc căng thẳng, vận động nhiều. Bác sĩ nhận định trường hợp của anh Duy cần điều trị tích cực vì phát hiện ở giai đoạn muộn.
Nguyên nhân ca mắc ung thư tăng, trẻ hóa
Không riêng anh Toàn, anh Duy, ngày càng có nhiều người trẻ bị ung thư. Tỷ lệ mắc mới và tử vong liên tục tăng và trẻ hóa. Thống kê của Tổ chức Ung thư toàn cầu (Globocan) vào năm 2020 cho thấy, có gần 19,3 triệu người bị ung thư trên thế giới và gần 10 triệu người chết; trong khi năm 2018 lần lượt là 18,1 triệu và 9,6 triệu.
Theo Viện Ung thư quốc gia Mỹ, năm 2020 có khoảng 90.000 người trong nhóm 15-39 tuổi được chẩn đoán mắc bệnh ung thư, chiếm khoảng 5% các ca ung thư. Tỷ lệ mắc ung thư ở người trẻ tăng lên 30% (so sánh ở năm 2016 với thời điểm 2007). Ung thư trở thành nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở người trẻ. Ở nước ta, dù chưa có thống kê số lượng người trẻ mắc ung thư nhưng bệnh cũng có xu hướng trẻ hóa. Càng ngày càng có nhiều người trẻ được chẩn đoán ung thư.
TS.BS Trần Hải Bình (Phó Trưởng khoa Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội), chia sẻ, Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ mắc ung thư cao ở châu Á. Nếu 15-20 năm trước, phần lớn các loại ung thư thường gặp ở độ tuổi từ 50 trở lên thì nay không ít trường hợp mắc bệnh dưới 40 tuổi. Ghi nhận tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, số người mắc ung thư trẻ (dưới 40 tuổi) được chẩn đoán khi đến khám tại bệnh viện ngày càng nhiều.
Với trường hợp của anh Toàn, bác sĩ Bình giải thích, yếu tố làm tăng nguy cơ mắc ung thư phổi là do thuốc lá, uống rượu bia và công việc thường xuyên căng thẳng. Còn anh Duy là do nhiễm virus viêm gan B và uống rượu bia nhiều.
Theo bác sĩ Bình, số người trẻ mắc ung thư ngày càng nhiều, độ tuổi càng sớm phần nhiều xuất phát từ nhóm yếu tố thay đổi được (hành vi, lối sống, môi trường...). Trong 5 loại ung thư hàng đầu ở nước ta năm 2020 (theo thống kê của Globocan), ung thư gan, phổi, vú, dạ dày, đại trực tràng... có liên quan chủ yếu đến lối sống và chế độ ăn uống.
Nhiều người trẻ còn ít tập luyện thể dục thể thao, uống nhiều rượu bia, hút thuốc lá... Theo Quỹ dân số Liên Hợp Quốc - UNFPA, Việt Nam là một trong 10 nước mà người dân lười vận động nhất thế giới. Nghiên cứu của Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, có tới 30% người trưởng thành thiếu vận động thể lực. Chế độ ăn uống không lành mạnh ít rau quả, nhiều đạm, nhiều muối... cũng không tốt cho sức khỏe. Bác sĩ Bình cho biết thêm, 30 năm qua, lượng thịt người Việt ăn tăng 6 lần trong rau xanh chỉ đạt một nửa so với mức khuyến nghị.
Hút thuốc lá, uống nhiều rượu bia cũng là một trong những nguyên nhân khiến nam giới mắc ung thư nhiều hơn nữ. Đây là những nguyên nhân phổ biến làm tăng nguy cơ ung thư phổi, gan, đường tiêu hóa... Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đánh giá, mức tiêu thụ rượu, bia của người Việt Nam cao so với các nước trong khu vực. Ước tính, trung bình một năm, một người Việt trên 15 tuổi uống 8,3 lít cồn nguyên chất.
Thêm vào đó, công việc bận rộn, căng thẳng thường xuyên, mất ngủ... cũng là yếu tố nguy cơ. Một số loại ung thư do các bệnh lý khác như béo phì, viêm gan, xơ gan, bệnh đường tiêu hóa... cũng tăng, có xu hướng trẻ hóa và không được điều trị kịp thời. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính năm 2017 có hơn 541.000 người Việt tử vong, trong đó, nguyên nhân do các bệnh không lây nhiễm chiếm 76%, đứng đầu là các bệnh tim mạch, đái tháo đường, ung thư, loãng xương, gout...
Cách phòng ngừa sớm
Bên cạnh yếu tố không thay đổi được như tuổi tác, di truyền, bác sĩ Bình khuyến cáo nên chủ động phòng ngừa từ lối sống, chế độ ăn uống lành mạnh. Mỗi ngày, người trưởng thành ăn đa dạng 8 nhóm chất, 500-600 gram rau củ quả mỗi ngày để góp phần phòng ung thư và các bệnh không lây nhiễm khác.
Tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày, 2-3 lần mỗi tuần giúp tăng cường sức đề kháng của cơ thể, duy trì cân nặng phù hợp, tinh thần thoải mái. Hạn chế rượu bia, không hút thuốc lá cũng có thể giảm một nửa nguy cơ mắc ung thư.
Bác sĩ Bình khuyến cáo, do ung thư ngày càng trẻ hóa nên độ tuổi tầm soát một số loại ung thư cũng sớm hơn trước đây. Ví dụ: trước đây khuyến cáo tầm soát ung thư đại trực tràng ở tuổi 50 tuổi thì nay vào khoảng 40-45 tuổi. Những người thuộc nhóm đối tượng nguy cơ cao như tiền sử gia đình có người thân cận bậc một (cha mẹ, anh chị em ruột) nên tầm soát sớm để theo dõi và điều trị kịp thời nếu mắc bệnh.
"Mọi người nên khám sức khỏe định kỳ mỗi 6 tháng đến một năm. Những người có chế độ ăn uống, lối sống thiếu lành mạnh khi có những dấu hiệu bất thường như sụt cân, chán ăn, mệt mỏi, kèm theo những dấu hiệu đặc trưng của một số loại ung thư nhất định nên đến bệnh viện thăm khám sớm", bác sĩ Bình nhấn mạnh.
Tên nhân vật đã được thay đổi.
Kim Uyên
Để đặt lịch khám, tầm soát ung thư tại Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, bạn có thể liên hệ:
Hà Nội: 108 Hoàng Như Tiếp, phường Bồ Đề, quận Long Biên. Hotline: 1800 6858
TP HCM: 2B Phổ Quang, phường 2, quận Tân Bình. Hotline: 0287 102 6789
Website: https://tamanhhospital.vn
Fanpage: facebook.com/benhvientamanh