Ngày 26/2, tiến sĩ, bác sĩ Đặng Thị Ngọc Bích, chuyên khoa Da liễu - Thẩm mỹ da, cho biết thông tin trên, thêm rằng ghi nhận từ đầu tháng 2 số ca mắc các bệnh da liễu liên quan đến thời tiết nắng nóng như viêm da cơ địa, viêm da tiết bã, mẩn ngứa, mề đay, mụn, nhiễm nấm, thủy đậu... gia tăng. Các buổi sáng, nhất là cuối tuần, bệnh nhân mọi lứa tuổi ngồi kín các dãy ghế chờ tới lượt khám. So với những tháng cuối năm ngoái khi nền nhiệt độ thấp hơn, các ca bệnh này tăng khoảng 30%.
Những ngày qua, tại TP HCM và các tỉnh Nam Bộ nắng gắt, nhiệt độ vào buổi trưa 36-37 độ C. Theo Đài khí tượng Thủy văn Nam Bộ, năm nay, do ảnh hưởng của El Nino, các khu vực phía Nam được dự đoán có nhiều đợt nắng nóng kéo dài với cường độ mạnh hơn so với các năm trước.
Bác sĩ Bích giải thích khi thời tiết thay đổi đột ngột, nắng nóng, độ ẩm cao ảnh hưởng nhiều đến da, làm tăng nhiệt độ da, thay đổi độ pH, tăng tiết mồ hôi và bã nhờn. Từ đó dẫn đến tắc nghẽn lỗ chân lông, dễ viêm da, rối loạn hệ vi sinh vật trên da (nấm, vi khuẩn) khiến da nhạy cảm hơn. Các yếu tố môi trường khác như bụi, phấn hoa, ô nhiễm, hóa chất... dễ gây kích ứng da, tạo các phản ứng không có lợi, từ đó làm bùng các bệnh da liễu. Thời tiết nóng còn khiến lỗ chân lông giãn nở, bụi bẩn dễ dàng xâm nhập và tích tụ lại bít tắc lỗ chân lông tạo thành mụn.
Như anh Hà, 26 tuổi, quê Lào Cai, bị sốc nhiệt khi trở lại TP HCM làm việc sau kỳ nghỉ Tết. Ngày đầu tiên đi làm, da của anh xuất hiện các nốt sần như vết muỗi đốt, phát ban, ngứa khắp người nên tới Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM khám.
ThS.BS.CKI Trần Nguyễn Anh Thư chẩn đoán anh Hà bị nổi mề đay cấp tính do cơ thể chưa kịp thích nghi với thay đổi nhiệt độ khi di chuyển từ vùng lạnh sang nóng.
Nổi mề đay xảy ra khi cơ thể phản ứng với chất gây dị ứng (thời tiết nóng hoặc lạnh, thực phẩm, mỹ phẩm, phấn hoa, lông thú, bụi trong nhà...). Lúc này, cơ thể giải phóng một loại protein gọi là histamine và các chất trung gian khiến các mạch máu nhỏ giãn nở và dịch từ mạch máu thoát ra gây tích tụ trong da (gây phù); viêm (nóng, sốt) và phát ban đỏ. Nếu chất lỏng tích tụ ở các mô có kết cấu yếu như vùng quanh mắt, môi, họng, dây thanh quản... hình thành các vết sưng phù. Nguy hiểm nhất là phù ở dây thanh quản làm hẹp đường thở, khó thở; thậm chí là bít đường thở, nguy hiểm đến tính mạng.
Anh Hà được kê thuốc histamine nhằm giảm các triệu chứng gây viêm, khuyến cáo hạn chế ra ngoài khi trời nắng nóng. Sau tái khám một tuần, các triệu chứng đã hết.
Trường hợp khác, anh Cường, 35 tuổi, sốt nhẹ, nhức đầu, mệt mỏi hai ngày, bắt đầu nổi mụn nước trên lưng. Làm việc dưới nắng trong công trường xây dựng, đổ nhiều mồ hôi khiến anh gãi nhiều do ngứa, khó chịu. Sau một ngày, mụn lan khắp mặt, thân mình, tứ chi kèm ngứa, đau rát. Bác sĩ Bích chẩn đoán anh bị thủy đậu thời kỳ toàn phát.
Người bệnh được điều trị ngoại trú với thuốc kháng virus đường uống, thuốc giảm ngứa và bôi thuốc xanh methylen. Để tránh các biến chứng như bội nhiễm, bác sĩ hướng dẫn anh tắm các loại xà phòng hoặc dung dịch sát trùng, hạn chế gãi, chà xát mụn nước. Anh cũng cần nghỉ ngơi khoảng 10 ngày cho tới khi da bong hết vảy tiết và tránh tiếp xúc với người xung quanh, nhất là người có hệ miễn dịch yếu như trẻ em, người già.
Nhiều trẻ em cũng đến khám trong dịp này, như bé trai Tú, 2 tuổi, ngụ TP HCM, bị viêm da cơ địa toàn thân. Trời nóng, bé chảy nhiều mồ hôi gây ngứa ngáy, cào gãi da đến trầy xước. Da bé viêm đỏ, nổi nhiều mụn nước nhỏ, khô ráp, nhiều vị trí dày sừng, bong tróc. Buổi tối, ngứa dữ dội hơn, bé không ngủ được, thường xuyên quấy khóc, mệt mỏi.
Bác sĩ Bích đã kê thuốc giảm ngứa, chống viêm và kem dưỡng ẩm. Bé Tú tái khám sau 5 ngày, tình trạng viêm giảm, nhưng cần duy trì điều trị và tái khám để kiểm soát bệnh.
Theo bác sĩ Bích, trẻ em, người lớn tuổi, người có bệnh nền có tình trạng miễn dịch kém nên đề kháng kém trước sự thay đổi của môi trường bên ngoài. Người mang bệnh da sẵn có, mạn tính như viêm da cơ địa càng dễ tái phát. Trẻ nhỏ đổ mồ hôi nhiều khiến các vùng như bẹn, mông, nách; các nếp gấp ở cổ, khuỷu tay, khoeo chân kém thông thoáng, ẩm ướt, thiếu vệ sinh càng dễ nhiễm nấm, rôm sảy, mụn, chốc, viêm da. Khi ngứa, trẻ gãi nhiều hơn làm nặng thêm tình trạng bệnh, như bội nhiễm (nhiễm thêm vi khuẩn, virus khác) hoặc khiến bệnh lan ra các vùng khác của cơ thể.
Với bệnh thủy đậu, theo chu kỳ, bệnh bùng phát trong khoảng tháng 1 đến tháng 5 hàng năm. Việc tiếp xúc, gặp gỡ nhiều trong dịp Tết cũng khiến bệnh dễ lây lan.
Bác sĩ Bích lưu ý bệnh da liễu không gây nguy hiểm tới tính mạng nên dễ bị bỏ qua. Tuy nhiên, nếu không được điều trị kịp thời, một số bệnh có thể trở thành mạn tính, như mề đay, viêm da cơ địa, viêm da... ảnh hưởng tới chất lượng sống của người bệnh.
Bác sĩ Bích khuyến cáo người có các triệu chứng bất thường trên da, như ngứa nhiều, phát ban, mẩn đỏ, nổi mụn nước kéo dài hoặc có dấu hiệu nặng hơn cần tới bệnh viện có chuyên khoa da liễu để được chẩn đoán và điều trị phù hợp. Người bệnh không nên tự điều trị tại nhà bằng các loại lá cây, thuốc gia truyền để tránh biến chứng.
Anh Thư
* Tên người bệnh đã được thay đổi
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh da liễu tại đây để bác sĩ giải đáp |
table widget