Mề đay là tình trạng da nổi sẩn hoặc mảng hình tròn, bầu dục hoặc hình vòng, màu hồng, đỏ, gồ cao hơn vùng da xung quanh, ngứa nhiều. Mề đay có thể xuất hiện ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể, có khuynh hướng nổi nhiều vào buổi tối và tự lặn trong 24 giờ.
BS.CKI Nguyễn Thị Kim Dung, chuyên khoa Da liễu - Thẩm mỹ da, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết có nhiều nguyên nhân nổi mề đay, thường gặp nhất là do cơ thể phản ứng với chất gây dị ứng (thực phẩm, hóa chất, mỹ phẩm, phấn hoa, lông thú, bụi nhà...). Khi đó, một lượng lớn histamine và các hóa chất trung gian được kích hoạt giải phóng khiến các mạch máu nhỏ giãn nở và dịch từ mạch máu thoát ra tích tụ trong da gây sưng, viêm, phát ban đỏ.
Nhiều người thường cho rằng người bị mề đay nên hạn chế ra gió và tiếp xúc với nước để tránh các triệu chứng nghiêm trọng hơn. Theo bác sĩ Kim Dung, điều này chỉ đúng một phần, bởi khi nổi mề đay, làn da của người bệnh nhạy cảm hơn bình thường. Tuy nhiên, không tắm rửa sạch khiến các chất gây dị ứng qua đường tiếp xúc tồn tại lâu dài trên da, làm nặng và kéo dài tình trạng bệnh. Hơn nữa, tuyến bã nhờn tiết ra nhiều kết hợp với vi khuẩn khiến da dễ tổn thương, tăng nguy cơ nhiễm trùng, nhiễm nấm....
Người bệnh vẫn nên tắm rửa thường xuyên với các lưu ý như sau:
Tắm bằng nước ấm: Không nên tắm bằng nước quá nóng hoặc quá lạnh vì dễ tổn thương da, tăng mất nước, khô da, thay đổi pH, dễ kích ứng. Với bệnh nhân bị mề đay do nguyên nhân vật lý, sự thay đổi nhiệt độ đột ngột cũng làm khởi phát triệu chứng, gây nổi đỏ ngứa, khó chịu ngay sau khi tắm.
Không chà xát quá mạnh: Người bệnh thường ngứa, khó chịu khi nổi mề đay. Không chà xát mạnh vào chúng vì gây ra áp lực vật lý và khởi phát vòng xoắn cào gãi - mẩn ngứa, khiến mề đay xuất hiện, khó kiểm soát. Da cũng dễ trầy xước, dễ nhiễm trùng và khi lành có thể để lại sẹo.
Không tắm quá lâu và quá nhiều lần: Bạn chỉ nên tắm một lần mỗi ngày trong khoảng thời gian dưới 10 phút. Tắm quá lâu làm cho da mất đi độ ẩm tự nhiên, khô, bong vảy, dẫn đến các vi sinh vật và dị ứng dễ dàng xâm nhập sâu vào da gây bệnh.
Chọn sản phẩm chăm sóc da phù hợp: Khi dùng gel tẩy tế bào chết, sữa tắm, xà phòng, ưu tiên các sản phẩm có thành phần dịu nhẹ, không hương liệu và chất bảo quản. Thường xuyên thoa kem dưỡng ẩm, nhất là trong vòng 5 phút sau tắm giúp tái lập hàng rào bảo vệ da, giữ ẩm, ngăn mất nước. Một số kem dưỡng ẩm còn chứa các thành phần kháng viêm có thể giảm triệu chứng đỏ ngứa và làm dịu da.
Bác sĩ Dung cho biết để ngăn ngừa các triệu chứng của mề đay, người bệnh mặc quần áo rộng rãi, thoáng mát, tránh những loại vải len dễ kích ứng da. Hạn chế món cay nóng, chế biến từ các loại hải sản, trứng, đồ hộp, thực phẩm lên men, chất kích thích. Xây dựng lối sống lành mạnh, nghỉ ngơi hợp lý.
Thường xuyên vệ sinh phòng, giặt các đồ vải với nước ấm (chăn, ga, gối, nệm, gấu bông, rèm cửa...), nên sử dụng thêm máy hút bụi, máy lọc không khí tại nhà hoặc nơi làm việc.
Nếu tình trạng mề đay kéo dài trên 6 tuần hoặc kèm một trong các biểu hiện sưng mắt, môi, đau bụng, tiêu lỏng, mệt, khó thở...., người bệnh phải đến ngay bệnh viện gần nhất để tìm nguyên nhân và điều trị.
Phạm Duy