Team building hiện nay được nhiều công ty, đơn vị tổ chức trong các buổi sinh hoạt tập thể của mình. Bên cạnh những lợi ích mà nó mang lại như tạo không khí vui vẻ, phát huy sự hợp tác, nhất là tạo sự đoàn kết, sẻ chia của các thành viên... vẫn còn nhiều ý kiến không tán thành, cho rằng các trò chơi gây ra sự mệt mỏi, gượng ép, phản cảm. Tậm chí có người còn "ghê sợ" bởi sự thô tục, mang nặng dục tính mà nó mang lại... Vậy vấn đề này nên được nhìn nhận như thế nào cho hợp lý?
Với người Việt - cư dân nông nghiệp lúa nước, tín ngưỡng phồn thực đã ăn sâu vào mọi ngóc ngách đời sống, trong đó có các trò chơi dân gian. Nhiều trò chơi tập thể trong dân gian mang đậm tín ngưỡng phồn thực, mà nếu một người "nghiêm túc" thì có thể cho rằng nó "tục", trái "thuần phong, mỹ tục" vì mang quá nhiều "dục tính". Ai thích Hồ Xuân Hương không thể không biết bài thơ Đánh đu của bà mô tả trò chơi đánh đu, có câu "Trai ôm gối hạc khom khom cật. Gái uốn lưng ong ngửa ngửa lòng".
Hay trò chơi bắt chạch trong chum ở các lễ hội làng Tiên Du, Mẫn Xá (Bắc Ninh), Phan Xá (Hà Tĩnh)... còn rõ ràng yếu tố "tục" hơn. Nội dung trò chơi là từng cặp nam nữ, ôm lưng nhau chọc tay vào chum bắt chạch, con chạch trơn tuột, khó bắt, cặp nam nữ phải phối hợp nhịp nhàng mới bắt được... Các trò chơi không chỉ gây hào hứng cho người chơi mà còn tạo nên vui tươi cho người xem.
Teambuilding bắt đầu phổ biến ở Việt Nam từ những năm đầu thế kỷ XXI, với nhiều trò chơi có tính gắn kết cao, đòi hỏi sự phối hợp nhịp nhàng của các thành viên trong một đội, như các trò: ngắn, dài, cao, thấp, đua thuyền trên cạn, tâng bóng tập thể, team nhảy đẹp, đều... Tôi từng là cán bộ đoàn trường chuyên nghiệp, nên thường tổ chức các hoạt động teambuilding cho sinh hoạt tập thể của sinh viên. Điều này mang lại nhiều lợi ích như giúp các bạn rụt rè chủ động tham gia vào hoạt động tập thể, tạo sự thân thiện, đoàn kết để cùng chiến thắng trong team, nhất là mang lại không khí vui vẻ sau những giờ học căng thẳng.
>> Tôi ghê sợ những trò chơi phản cảm trong teambuilding
Tuy nhiên, cùng với sự phát triển, nhiều trò chơi có yếu tố "phồn thực", nhiều khi chỉ là "nghịch ngợm" nhằm mang lại sự thay đổi vui tươi, như các trò thi ăn chuối, gặm táo, chuyền nước, thổi bong bóng... và các trò mang tính "gợi dục" nhiều hơn. Gần đây, team building có xu hướng lạm dụng yếu tố tính dục quá nhiều, như trò ép bong bóng tổ chức ngoài bãi biển khi người nữ để quả bóng ở chỗ nhạy cảm người nam siết chặt người nữ cho bóng vỡ; hay trò hít đất với người nữ nằm dưới, người nam phía trên... Đỉnh điểm có lẽ là vụ việc ở Cửa Lò (Nghệ An) khi người chơi cởi cả áo ngực để chuyền nước. Chính sự quá đà này đã khiến teambuilding bị lên án mạnh. Có người coi nó là "ghê tởm", "cực hình", "tục tĩu".
Để teambuilding không còn mang tiếng là phản cảm, thô tục, trái thuần phong mỹ tục, theo tôi, chúng ta cần lưu ý: Đối với nhà tổ chức, phải kiểm duyệt những trò chơi trong các chương trình hoạt động, tránh những trò chơi gợi dục quá mức gây phản cảm. Đồng thời, tránh lạm dụng hoạt động teambuilding quá nhiều gây nên sự mệt mỏi không đáng có với các thành viên tham gia. Đối với đơn vị thực hiện, khi xây dựng chương trình teambuilding cần chú ý đến đối tượng tham gia cho phù hợp, học sinh phải khác sinh viên, sinh viên phải khác với công nhân, nhân viên công ty...
Riêng đối với người ngoài như chúng ta, cũng cần có cái nhìn nhẹ nhàng, tránh quá khắt khe đến mức cực đoan, phủ định sạch trơn những giá trị mà teambuilding mang lại. Những trò chơi bị coi là gợi dục (tất nhiên không phải trường hợp quá đà), nên được xem như một sự nghịch ngợm nhằm tạo không khí vui tươi cho một buổi sinh hoạt. Bởi xét cho cùng, yếu tố phồn thực cũng là một phần trong văn hóa dân gian người Việt, chắc chắn nó không làm cho chúng ta "xấu đi".
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.