Gần đây, có nhiều ý kiến bức xúc khi phải tham gia các buổi teambuilding gượng ép, hành xác với công ty. Thế nhưng, liệu có phải tất cả hoạt động teambuilding đều vô nghĩa? Có phải tất cả nhân viên đều hiểu đúng về ý nghĩa, mục đích của hoạt động này?
Với cái nhìn tích cực về teambuilding, độc giả HT chia sẻ: "Dưới lăng kính cá nhân, mỗi người sẽ thấy teambuilding ở một hình hài khác nhau. Với quan điểm của riêng mình, tôi thấy teambuilding mang nhiều ý nghĩa tích cực. Đó là sự kiện vui chơi, giải trí, gala dinner... giúp gắn kết các nhân viên với nhau, sau những chuỗi ngày tháng làm việc mệt nhọc, căng thẳng. Thậm chí, đây còn là cơ hội để tôi được nghỉ ngơi, thư giãn vào dịp cuối tuần. Còn tất nhiên sẽ có những người nghĩ về teambuilding với thái độ gượng ép, bị bắt buộc phải tham gia... nhưng đó chỉ là thiểu số".
Đồng quan điểm, bạn đọc Dai An nhấn mạnh ý nghĩa của hoạt động teambuilding: "Không phải công ty nào cũng tổ chức teambuilding mà phải là các doanh nghiệp lớn, tập đoàn có tài chính mạnh mới đủ tài chính chi cho hoạt động này. Nên nhớ tổ chức teambuilding tốn kém hơn nhiều việc chỉ cho nhân viên đi nghỉ dưỡng ở đâu đó.
Tôi rất thích teambuilding và tất cả nhân viên của công ty tôi cũng vậy. 250 con người năm nào cũng hào hứng chờ xem năm nay được đi đâu, chơi gì. Sau mỗi kỳ teambuilding như vậy, mọi người lại thêm hiểu nhau, gắn kết và hợp tác với nhau và với các bộ phận khác nhiều hơn. Quan trọng là công ty, đặc biệt là phòng nhân sự tổ chức chương trình thế nào, chọn đơn vị nào, mục tiêu muốn hướng tới là gì?".
"Tính hòa đồng, hợp tác luôn là một trong những tiêu chí đánh giá năng lực nhân viên rất quan trọng. Đây có thể xem là chỉ tiêu không định lượng. Chơi trò chơi tập thể mà bạn cũng không tích cực tham gia thì sao làm việc tập thể được? Một nụ cười thôi cũng đem lại năng lượng tích cực cho cả tập thể. Nên nếu bạn không tham gia thì tất nhiên sẽ bị mất điểm khi so sánh với người khác", độc giả Tuấn Vũ nhận định.
>> Mệt mỏi với những chuyến team building gượng ép
Tại sao nhiều công ty chọn tổ chức teambuilding thay vì cho nhân viên đi du lịch nghỉ dưỡng đơn thuần? Bạn đọc Hung chia sẻ kinh nghiệm từ doanh nghiệp FDI của mình: "Cái tầm của nhà quản lý là họ thường có chiến lược khác với suy nghĩ đơn thuần của nhân viên. Tại sao người đứng đầu doanh nghiệp phải dùng một ngân sách khá lớn của công ty để tổ chức teambuilding hằng năm? Tất cả đều có lý do và mục địch của nó.
Đầu những năm 2000, công ty FDI nơi tôi làm việc, thuê một công ty tư vấn để trao đổi kinh nghiệm, cách giải quyết vấn đề với các cấp quản lý trong công việc. Chi phí mỗi một nhân viên quản lý đi dự khóa này trong một tuần cũng khá tốn kém. Do số lượng công nhân khá đông nên khóa học tổ chức tại cty sau giờ làm việc. Ngoài việc chi trả phí cho công ty tư vấn, người ta còn phải trả tiền làm thêm giờ, phần ăn cho công nhân ở lại học.
Khi đi hoạt động ngoài trời, công ty tổ chức theo từng cấp quản lý chứ không tập trung như đi nghỉ mát hàng năm. Có những thứ trong công việc bạn không thể học được từ đồng nghiệp. Nhưng khi ra ngoài hoạt động tập thể, bạn mới thấy được cách ứng xử xử xử lý của họ như thế nào?".
Đánh giá cao tầm quan trọng của việc tổ chức teambuilding hằng năm, độc giả Tran Tien Dat bình luận: "Teambuilding là hoạt động gắn kết các thành viên trong công ty, nhằm xây dựng văn hóa doanh nghiệp, chứ không đơn thuần du lịch hè như nhiều người nghĩ. Mục đích và cách thức vận hành của hai hoạt động này khác nhau hoàn toàn. Chẳng qua một số đơn vị tổ chức chính bản thân họ còn mập mờ và làm không tới, thành ra nhập nhèm, lẫn lộn, gây hiểu lầm cho những người tham gia.
Người hướng nội hay hướng ngoại là tính cách riêng của mỗi người, chẳng xã hội nào phân định làm hai nhóm người làm việc cả. Nhưng nội hay ngoại là việc của bạn, còn thứ mà công ty hướng tới là tinh thần tập thể và gắn kết nhân viên. Những người không phù hợp với định hướng công ty thì phải chấp nhận bị đào thải".
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.